Hotline: 0913.935.593

Tour nổi bật

HÀ NỘI - TRÀNG AN -...

Thời gian tour: 3 ngày 2 đêm
3,850,000 Đ

TẾT ĐẢO NGỌC M2 - M4...

Thời gian tour: 3 ngày 2 đêm
6,590,000 Đ

HÀ NỘI - TRÀNG AN -...

Thời gian tour: 5 ngày 4 đêm
5,100,000 Đ

HÀ NỘI - HÀ GIANG -...

Thời gian tour: 4 ngày 3 đêm
3,550,000 Đ

ĐÀ NẴNG - SƠN TRÀ - BÀ...

Thời gian tour: 5 ngày 4 đêm
3,900,000 Đ

Tìm kiếm

Tư vấn trực tuyến


Sale1 - 0918 531 573

Sale2 - 0913 935 593

Sale3 - 0988 183 809

Sale4 - 028 3911 0768

Sale5 - 028 3911 0758

Trang chủ » Điểm đến » Trong nước

Cố Đô Huế

Thứ hai - 22/05/2023 13:13
Cố Đô Huế

Cố Đô Huế

Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng.


Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai Châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hóa vô giá. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích của Cố đô đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hằng ngàn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.


Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của con sông Hương dùng dằng chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh... Nhìn từ phía ngược lại, những công trình kiến trúc ở đây như hòa lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu diệu kỳ khiến người ta quên mất bàn tay con người đã tác động lên nó.


Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, khi thì lát đá cụ thể khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung... Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.

Xa xa về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Lăng vua đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam.
Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm u uẩn giữ chốn đồng không quạnh quẽ, cũng thể hiện phần nào tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ...


Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành lũy của Kinh đô song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuật kiến trúc đã đạt đến đỉnh cao. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hóa độc đáo ấy, chúng ta còn có thể tham quan đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na... còn quá nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hòa điệu trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận... thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.


Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương... Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan tỏa khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần dần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng cố đô. Mỗi một khu nhà vườn lại mang bóng dáng của Kinh Thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng Hương, đôi tảng đá cụm hoa thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh... đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ... lại bốn mùa hoa trái, ríu rít chim ca, không gian ấy còn là thế giới của những thi nhân mặc khách đối ẩm ngâm vịnh, là nơi diễn xướng những điệu ca Huế não nùng như Nam Bình, Nam Ai... trong những đêm gió mát trăng thanh.

Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Ông Amadou MahtarM’bow - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét trong lời kêu gọi cho cuộc vận động bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa Huế: “Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”. 


Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh... mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung đình. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu... gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ. Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hóa, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến tham quan Cố đô của du khách mọi miền. Huế ngày nay vẫn đang gạn đục khơi trong, cố giữ gìn những tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc, cố bảo tồn những hình thái nghệ thuật được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân nay đang ở bên bờ lãng quên, cố phục hồi những giá trị tinh thần quí báu của cha ông khi còn có thể.


Các loại hình âm nhạc truyền thống mang tính giải trí tiêu khiển vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong lòng thành phố Huế. Vừa qua, điều khiến cho người dân Huế vui mừng nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam dưới sự cố vấn của nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đã thiết lập hồ sơ đệ trình UNESCO xin công nhận Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) là Kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Tuy mọi việc vẫn còn ở phía trước, song động thái đó cũng đủ nói lên giá trị vô vàn của âm nhạc truyền thống Huế. 

Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Cứ mỗi hai năm, nhân dân thành phố Huế lại đón chào ngày lễ hội trọng đại này trong niềm háo hức, mừng vui khôn cùng. Trong ý nghĩ của nhiều người, Huế trở thành thành phố Festival gần như là một điều tất yếu vì ở Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến mà các công trình kiến trúc lại hòa điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng. Cách cấu tạo giữa kiến trúc và cảnh quan làm cho Huế trở thành một thành phố của sự hài hòa giữa kiến trúc - thiên nhiên và con người “Huế thực hiện được sự tổng hợp giữa đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay”.


Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Huế

Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua Tp. Huế. Lăng cách Tp. Huế 12km.
Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Lăng Minh Mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng rất hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.
Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm Cung điện, Lâu đài, Đình tạ... được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Ðại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua.
Các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần Ðạo là trung tâm. Tổng thể của lăng được chia ra: Ðại Hồng Môn, Bi Đình, Khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua), Lầu Minh Lâu, Bửu Thành (thành quanh mộ)
Lăng Minh Mạng với Bi Đình, Hiểu Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu và gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19...
Ngoài tính cách đăng đối uy nghi, đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được cải tạo để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

Lăng Đồng Khánh
Lăng Ðồng Khánh được xây dựng trên vùng đất thuộc làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lăng Đồng Khánh được xây dựng trong 4 đời vua (1888 - 1923) nên vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Quá trình xây dựng lăng Ðồng Khánh diễn ra trong 4 đời vua (1888 - 1923), vì vậy lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau.
Khu tẩm điện: các công trình vẫn mang lối kiến trúc xưa, lối kiến trúc “Trùng Thiềm Điệp Ốc” (Nhà có nhiều bộ mái nối tiếp nhau). Chính điện và các nhà cửa phụ thuộc, vẫn là những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy với trang trí tứ linh, tứ quí,...Ðiện Ngưng Hy có 24 đồ bản vẽ các bức tranh trong điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, kể về những tấm gương hiếu thảo ở Trung Hoa. Trên các cỗ diêm, bờ nóc, bờ quyết của Điện Ngưng Hy xuất hiện những phù điêu bằng đất nung với các trang trí rất dân giã như “Ngư ông đắc lợi”, “Gà chọi”. Việc xuất hiện hệ thống cửa kính nhiều màu và hai bức tranh,...đã nói lên ảnh hưởng của văn hoá Tây Âu.
Khu lăng: Kiến trúc lăng mộ hầu như được “Âu hoá” hoàn toàn từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật liệu xây dựng. Bi Đình là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn kiến trúc Á Đông. Tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá ngói ác đoa, gạch ca rô.

Kinh Thành
Kinh thành Huế nằm ở bờ bắc sông Hương và thuộc địa phận Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông.
Huế từ xa xưa đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của xứ "Ðàng Trong" và chính thức trở thành kinh đô dưới triều Tây Sơn. Trong gần 4 thế kỷ, Huế đã trở thành một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh vĩ đại, tổng thể di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Kinh thành Huế - tổng thể kiến trúc của Cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.
Tổng thể kiến trúc này dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương là Cồn Hến và Dã Viên làm 2 yếu tố phong thuỷ rồng chầu hổ phục (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ) để bảo vệ Cố đô.
Kinh thành hình vuông với chu vi 10km, cao 6,6m, dày 21m, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Ðài gọi là Thái Bình Môn.
Hoàng Thành (Ðại Nội): Nằm ở khoảng giữa kinh thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Ðại Nội gồm có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp được chia ra nhiều khu vực:
Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hoà: nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.
Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Điện Phụng Tiên: nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.
Phủ Nội Vụ: nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia.
Vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn: nơi các hoàng tử học tập và chơi đùa.
Tử Cấm Thành: là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau lưng Điện Thái Hoà. Tử Cấm Thành dành riêng cho vua và gia đình vua. Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804. Thành cao 3,72m xây bằng gạch, dày 0,72m, chu vi khoảng 1.230m, phía trước và phía sau dài 324m, trái và phải hơn 290m, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào. Ðại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua đi vào. Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày). Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi). Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách)…

Duyệt Thị Ðường
Duyệt Thị Ðường nằm về phía đông điện Quang Minh trong Tử Cấm Thành, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Duyệt Thị Đường là nhà hát trong cung đình, được xây dựng năm 1826 thời Minh Mạng. Đây là nhà hát cổ nhất còn lại của ngành sân khấu Việt Nam.
Nhà hát hình chữ nhật rộng rãi với bộ mái có những bờ quyết cong giống như những đình chùa ở Huế, được chống đỡ bởi hai hàng cột lim sơn son, vẽ rồng ẩn mây cuốn chung quanh. Ở lưng chừng mỗi cột treo thêm một bức tranh sơn thuỷ vẽ cảnh Huế với khung chạm rồng nổi thiếp vàng. Trên cao hơn, mặt trời, mặt trăng, tinh tú tượng trưng cho vũ trụ được vẽ hoặc chạm nổi lên trần nhà màu xanh lơ. Toà nhà nối liền với các cung điện của nhà vua và các bà hoàng bằng một dãy hành lang có mái khúc khuỷu, quanh co.
Sân khấu hình vuông đặt ngay giữa sàn nhà. Bức tường ở cuối sân khấu trổ hai cửa. Các diễn viên vào ở phía phải và ra ở phía trái. Phía sau bức tường là một phòng rộng đựng tủ kệ để chứa các bản tuồng, hia, mão và đạo cụ biểu diễn. Ở vị trí cao nhất trong phòng là một khám thờ hai ông làng tổ sư của nghề hát bội. Phòng này lại trổ cửa hướng ra sân ở mé đông Tử Cấm Thành (các nghệ nhân ra vào bằng lối này). Ðối xứng với bức tường qua sân khấu, là một đài cao chia ra làm hai bậc. Bậc cao nhất nằm sát tường phía tây dành cho các bà hoàng và cung tần mỹ nữ, bậc thấp đặt ngự toạ, nơi nhà vua ngồi xem hát. Hai bậc này được ngăn bởi một lớp sáo trúc thưa làm cho người ngồi bên trong nhìn rõ được người bên ngoài, nhưng người xem ở bên ngoài không thấy mặt người đẹp trong cung cấm. Thỉnh thoảng người ta chỉ nghe được tiếng quạt phẩy nhè nhẹ như cánh chim đập khẽ hay tiếng cười khúc khích từ phía trong hàng sáo vang ra. Hai bên chỗ vua ngự đặt vài bộ bàn ghế dành cho các quốc khách. Thời Pháp thuộc các Toàn quyền, Khâm sứ hay ngồi ở đó.

Thái Bình Lâu
Thái Bình Lâu nằm trong Tử Cấm Thành, kinh thành Huế, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thái Bình Lâu - Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu là chỗ để vua nghỉ hoặc đọc sách.
Năm 1821, Minh Mạng cho cất một ngôi nhà ở phía tây vườn Thiệu Phương mang tên là Trí Nhân Ðường. Ðến đời Thiệu Trị sửa lại và đặt tên là Thanh Hạ Thư Lâu (nhà làm văn). Năm 1887, Ðồng Khánh cho triệt hạ và dựng lầu mới gọi là Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu. Lầu này dùng sành, sứ khảm trạm rất công phu.
Phía tây lầu trông xuống một hồ vuông trong xếp đá thành non bộ giả cảnh thiên nhiên thật là hấp dẫn. Ở bên trái toà dựng lầu Tứ Phương Vô Ngu, bên phải dựng hành lang Hoá Nhật Thư Trường, rồi ở bên trái đình Bát Phong dựng gác nhỏ gọi là Lục Trì Thần Thông, bên phải dựng phòng Thận Tu, ở phía bắc phòng ấy dựng lầu Lục Giác, bên trái lầu ấy dựng Trạch Trung, phía trước gọi là nhà Ðức Viên. Cầu, hành lang liền nhau, ao hồ nước thông chảy suốt, xem rất nên thơ.

Ðàn Nam Giao
Đàn Nam Giao thuộc xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Là đàn tế lộ thiên, mô thức kiến trúc mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ phương Đông.
Ðàn tế trời được khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806. Ðầu năm 1807, triều đình Gia Long đã cử hành lễ tế Giao lần đầu tiên tại đây.
Ðàn Nam Giao là đàn tế lộ thiên. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ phương Ðông. Ðàn Nam Giao gắn với thuyết Thiên mệnh của đạo Nho. Cấu trúc đàn diễn tả quan niệm vũ trụ còn hạn chế của bao triều đại trước: Trời tròn, đất vuông.

Chùa Diệu Đế
Chùa Diệu Đế thuộc địa phận phường Phú Cát, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Diệu Ðế là ngôi quốc tự thứ ba, được vua Thiệu Trị coi là một trong hai mươi thắng cảnh của đất kinh đô Huế.
Khuôn viên chùa nằm gọn giữa bốn con đường: phía trước là đường Bạch Ðằng chạy dọc theo một nhánh sông Hương, phía sau là đường Tô Hiến Thành gần chùa Diệu Hỷ, bên trái là con đường mang tên chùa Diệu Đế và bên phải là đường chùa Ông. Kiến trúc ban đầu của chùa rất qui mô. Tuy không đẹp bằng chùa Thiên Mụ, nhưng chùa Diệu Ðế có vẻ độc đáo riêng, có bốn lầu (hai lầu chuông, một lầu trống và một lầu bia).
Chính điện là đại giác, tả hữu chính điện là Thiền Đường, phía trước điện dựng gác Ðạo Nguyên hai tầng ba gian, sau gác Ðạo Nguyên có hai lầu chuông trống xây cân đối ở hai bên, chính giữa là lầu Hộ Pháp, sân trong có La Thành, sân trước có hai nhà lục giác, nhà bên tả đặt hồng chung, nhà bên hữu dựng bia lớn khắc bài văn do vua Thiệu Trị soạn. Hệ thống La Thành ngoài chùa Diệu Ðế xây dựng kiên cố, bề thế, trước có Phượng Môn ba cửa, hai bên có cổng nhỏ, ngoài bờ sông có xây bến thuyền khoảng mười bậc lên xuống.
Trước đây, chùa Diệu Ðế có nhiều tượng Phật do được chuyển từ chùa Giác Hoàng, sau sự kiện Kinh đô thất thủ (1885). Cuối năm này, chính phủ Nam Triều đặt sở Đúc Tiền ở Cát Tường Từ Thất, phủ đường Thừa Thiên ở Trí Tuệ Tịnh Xá và một tăng phòng làm nhà lao của tỉnh, một tăng phòng làm trụ sở cho Khâm Thiên Giám. Năm 1887 phần lớn các ngôi nhà trong chùa đều bị triệt hạ...về sau, ngoài cổng La Thành xây thêm bốn trụ biểu.
Hiện nay, chùa chỉ còn chính điện, hai bên chính điện đặt Bát Bộ Kim Cang, phía sau có một nhà khách, một bếp. Sân ngoài có nhà bia, nhà chuông, ngoài cùng là cổng Tam Quan hai tầng, phía trên có lầu Hộ Pháp.

 Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chùa là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và đẹp nhất ở Huế.
Tên của ngôi chùa bắt nguồn từ một huyền thoại. Chuyện kể rằng, từ xa xưa, dân địa phương đêm đêm thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa tọa lạc ngày nay và nói: rồi sẽ có chân chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch. Khi nói xong, bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe kể chuyện đã cho xây chùa và đặt tên là Thiên Mụ Tự.
Năm 1601, chùa được xây dựng. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5m nặng 3.285kg, và năm 1715, chúa lại cho xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch. Vào thời Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đều cho trùng tu chùa.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế ở tại số 3, đường Lê Trực, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ đồng, đồ sành, đồ sứ, đồ đá, đồ pháp lam, áo mão và đồ ngự dụng của vua chúa đời nhà Nguyễn.
Tòa nhà chính để trưng bày các cổ vật tiêu biểu có diện tích gần 1.200m². Toà nhà này nguyên là điện Long An được kiến trúc vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Bản thân toà nhà này là một công trình bằng gỗ tuyệt mỹ, có tới 128 cây cột gỗ quý. Trên toàn bộ các bộ phận bằng gỗ của toà nhà chạm trổ hàng trăm bức tranh cổ điển, các con vật thiêng liêng: rồng, lân, rùa, phụng... và trên 1.000 bài thơ bằng chữ Hán. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá đây là một trong những cung điện đẹp nhất ở Việt Nam.
Trong cung điện này, hiện trưng bày khoảng 300 hiện vật cổ quý hiếm bằng vàng, bạc, ngọc, sành, sứ, gỗ...Tại đây, bạn có thể trông thấy bàn, ghế, kiệu, giường, tủ của nhà vua; giày, hia, y phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử...
Tất cả những cổ vật được trưng bày tại bảo tàng là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị được các nghệ nhân thực hiện một cách công phu và tài tình.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế 10km.
Lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng công phu, lộng lẫy hơn; kết hợp tinh xảo hai nền kiến trúc, văn hoá Đông - Tây.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Ðịnh có diện tích nhỏ hơn nhiều (117m x 48,5m) nhưng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Nó là kết quả hội nhập của nhiều dòng kiến trúc Á - Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.
Tổng thể của lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc và được chia ra:
Vào lăng phải vượt qua hệ thống của 37 bậc với thành bậc đắp rồng to lớn nhất cả nước, trên sân có hai dãy Tả - Hữu tòng tự, ở hai bên xây kiểu chồng diêm hai lớp, tám mái, song các vì kèo lại bằng xi măng cốt thép.
Vượt 29 bậc nữa lên tầng sân bái đình, ở giữa có nhà bia Bát giác xây bê tông cốt thép hoà trộn cổ kim, trong đó có bia đá. Hai bên sân, mỗi bên có 2 hàng tượng cùng nhìn vào giữa sân. Ngoài tượng như ở các lăng khác, còn có thêm 6 cặp tượng linh túc vệ, từng đôi tượng cùng loại ở cạnh nhau được làm đối xứng và cùng đối xứng với đôi tượng phía đối diện. Các tượng này làm bằng chất liệu đá hiếm trong lăng Khải Ðịnh và đều có khí sắc. Hai cột trụ biểu cao to.
Qua 3 lớp nền là đến điện thờ. Từ sân lên cửa điện còn phải qua 15 bậc nữa. Ðiện Khải Thành là phòng chính của cung Thiên Ðịnh, có nhiều phòng liên hoàn. Các điện tường phẳng được trang trí dày đặc bằng nghệ thuật khảm kính sứ. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và trên trần vẽ Cửu long ẩn hiện trong mây. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật.
Phòng sau của điện Khải Thành là chính tẩm có đặt tượng vua Khải Ðịnh, mộ phần ở phía dưới. Trong cùng là khán thờ với bài vị của vị vua đã quá cố.
Lăng Khải Ðịnh thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế.

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)
Lăng Gia Long nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế 16km.
Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng.
Ðến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số nữa thì tới.
Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi làm "tả thanh long" và bên phải có 14 ngọn làm “hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng được chia làm 3 khu vực:
Chính giữa là lăng mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Qua khỏi sân chầu có các hàng tượng đá uy nghiêm và bảy cấp sân tế là Bửu Thánh ở đỉnh đồi. Trong Bửu Thánh có 2 ngôi mộ đá được sáng tác theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” biểu tượng cho hạnh phúc và thuỷ chung.
Bên phải là khu tẩm điện mà điện Minh Thành là trung tâm nơi thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Trước đây trong điện Minh Thành có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của Gia Long.
Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn tấm bia lớn ghi bài “Thánh Ðức Thần Công” của vua Minh Mạng soạn, ca ngợi vua cha được chạm khắc tinh tế, sắc sảo.
Ngoài ra còn có các lăng phụ cận trong khu vực này như lăng Quang Hưng (bà vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần), lăng Vĩnh Mậu (vợ chúa Ngãi vương Nguyễn Phúc Trăn); lăng Toại Thánh (vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Luân và là thân mẫu của Gia Long),...lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng, bên cạnh có điện Gia Thành dùng để thờ.
Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt vời giữa thiên nhiên và kiến trúc đã tạo nên nét hùng vĩ hoành tráng của cảnh quan.

Lăng Dục Ðức
Lăng Dục Đức tọa lạc ở phường An Cựu, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Đây cũng là nơi yên nghỉ của vua Thành Thái và Duy Tân.
So với các lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Ðức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Khu lăng mộ hình chữ nhật có diện tích 3.445m², bên trong không có Bi Đình và tượng đá. Vào lăng phải đi qua cổng tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên có mái giả.
Sau cửa là Bái Ðình không có tượng đá mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch. Kế đó là một cửa tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và trang trí hình ảnh hoa lá bằng cách đắp nổi sành sứ...
Chính giữa Bửu Thành có một nhà hình ốc được xây trên nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8m, mái lợp ngói hoàng lưu ly bên trong có bàn và sập đá thanh dùng để bày hương án và lễ vật khi cúng kỵ. Hai bên tả hữu là mộ vua Dục Ðức và Hoàng hậu Tư Minh nằm đối xứng nhau. Tấm bình phong trước mộ vua có đắp nổi hai chữ “hỷ” ghép lại với nhau, đối xứng với “song hỷ” là hình ảnh chữ “thọ”.
Ðiện Long Ân: ở trung tâm khu vực tẩm, được xây dựng theo khuôn mẫu của các ngôi điện ở Huế. Bên trong có ba án thờ bài vị các vua: Dục Ðức (và vợ thờ ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
Phía sau điện Long Ân là nơi yên nghỉ của hai ông vua Thành Thái, Duy Tân. Trong khu vực này còn có nhiều ngôi mộ của những người trong quyến thuộc các vị vua trên.
Lăng Dục Ðức cũng mang quy cách kiến trúc chung của các lăng khác nhưng có một số nét nghệ thuật cá biệt riêng. Lăng Dục Ðức làm phong phú thêm cho sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm.

Lăng Tự Ðức (Khiêm Lăng)
Lăng Tự Ðức tọa lạc tại xã Thủy Biều, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lăng được xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích 475ha. Khác với các lăng được xây dựng cân đối, lăng Tự Đức được xây dựng phóng khoáng, hài hoà với thiên nhiên có sẵn phản ánh tâm hồn lãng mãn của vị vua thi sĩ này.
Lăng Tự Ðức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một “hồn êm thơ mộng” (une douce rêve). Lăng vua Tự Đức được xây dựng trong một bối cảnh lịch sử cực kỳ khó khăn của đất nước và của chính bản thân nhà vua.

Bãi biển Lăng Cô
Bãi biển Lăng Cô dài khoảng 10km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm cạnh đường quốc lộ 1A, gần đèo Hải Vân.
Với bờ biển thoải, cát trắng, nước biển trong xanh, và nhiệt độ trung bình khoảng 25 độ vào mùa hè, Lăng Cô là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển.

Ngoài việc tận hưởng những món ăn hải sản tuyệt vời, du khách có thể đến thăm thắng cảnh Chân Mây và làng chài Lăng Cô gần bãi biển.

Bãi biển Thuận An
Bãi biển Thuận An thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thuận An là nơi tắm biển thú vị cho du khách sau một ngày tham quan kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền, phong cảnh ở Huế.
Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Bãi biển cách Tp. Huế 15km và du khách có thể đi đến đó bằng ô tô.
Chuyến đi bằng ô tô vừa nhanh và thú vị với một bên là cảnh dòng sông còn bên kia là quang cảnh nhà cửa, am miếu, đền chùa và những cánh đồng lúa.
Thuận An là nơi thu hút rất đông người dân xứ Huế về hóng mát và tắm biển vào dịp hè. Thời kỳ tấp nập nhất ở đây thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất.
Ngoài ra du khách có thể đến tham quan miếu Thái Dương ở gần đó với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết sức sùng bái, hoặc thăm miếu Âm Linh thờ thần cá voi, con vật linh thiêng của dân miền biển.

Sông Hương
Dòng sông thơ mộng chảy qua Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới.
Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn tả trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng tây bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy qua ngã ba Bằng Lãng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và qua bến đò Tuần thì đến ngã ba Bằng Lãng hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài 30km nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm.
Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản - điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.
Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Ði chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương Giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách...
Quang cảnh đôi bờ sông, nào thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp... bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ, nên nhạc. Nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Huế có được cái êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh phần lớn là nhờ sông Hương, dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng, cái trong sáng hài hoà toả ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.

Núi Ngự Bình
Núi Ngự Bình thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách kinh thành Huế khoảng 3km
Ngự Bình có dạng hình thang, đỉnh bằng phẳng, có thế bình phong che chở cho kinh thành Huế.
Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn viết “Phía Đông bắc Hương Thuỷ, nổi vọt lên ở quãng đất bằng” như hình bức bình phong làm lớp án thứ nhất trước kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng, đời Gia Long đặt cho tên hiện nay (Ngự Bình), đỉnh núi bằng phẳng, khắp nơi trồng thông"
Núi Ngự Bình cao 105m, dáng cân đối, uy nghi. Hai bên Bằng Sơn có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Vương triều Nguyễn được thành lập, quyết định xây dựng kinh thành Huế, thấy Bằng Sơn như một bức bình phong án ngữ trước mặt, Gia Long chấp nhận đồ án của các thầy địa lý: chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố và đổi tên cho ngọn núi này là Ngự Bình.
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương núi Ngự, miền Hương Ngự cũng vì vậy.
Từ bao thế hệ, lớp lớp tao nhân mặc khách từng coi đây là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Ngự Bình, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố với cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co. Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn... xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông, dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của biển Ðông...
Cách núi Ngự Bình vài cây số là đồi Vọng Cảnh, một danh thắng khác của Huế, đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Từ đồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn , cam, quýt, thanh trà,... chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc.... Sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi... Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn, mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn đồi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế.

Ðồi Vọng Cảnh
Ðồi Vọng Cảnh thuộc Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế khoảng 7km.
Đứng trên Ðồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của Tp. Huế, đặc biệt là khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn.

Vườn Quốc Gia Bạch Mã
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện, huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách Tp. Huế 60km về phía nam.
Vườn Quốc gia Bạch Mã có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành.
Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập ngày 15/7/1991 với tổng diện tích tự nhiên 22.031ha.
Khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do Bạch Mã ở gần biển, nên nhiệt độ mùa đông không bao giờ xuống dưới 4ºC và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè ít khi vượt quá 26ºC. Khí hậu của Bạch Mã được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ trên vùng núi Đông Dương.
Đỉnh Bạch Mã cao 1.450m, cách bờ biển 10km đường chim bay, quanh năm mây phủ. Từ Tp. Huế đi về phía nam 40km theo quốc lộ 1A đến thị trấn Cầu Hai (huyện Phú Lộc), rẽ phải, đi tiếp 19km bạn sẽ đến khu Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ðường ô tô ngoằn ngoèo, vượt qua nhiều đoạn dốc cao sẽ đưa du khách lên tới tận đỉnh Bạch Mã. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn một khung trời lồng lộng, những dãy núi trùng điệp, đỉnh núi nhấp nhô bắt mắt tới tận đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, vụng Chân Mây sát bờ biển Ðông.
Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Trong tổng số 22.031ha diện tích tự nhiên, có tới 16.900ha rừng che phủ. Rừng có các loại gỗ quý như trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng..., nhiều cây đường kính 80 - 100cm. Hệ thực vật phong phú và đa dạng, có tới 1.406 loài. Bạch Mã còn có trên 300 loài cây thuốc nam: cây ba gạc chữa huyết áp cao, cây bình vôi chữa bệnh an thần, lá khôi đặc trị dạ dày, loài cây 7 lá 1 hoa chữa bệnh rắn cắn và chấn thương...
Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài bao gồm: 83 loài thú, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Có những loại thú hiếm còn tồn tại như gấu, báo, hổ, sao la... Ðặc biệt Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao (cả đuôi dài tới 2m, cao tới 4.050cm) và gà lôi lam mào trắng.
Vườn Quốc gia Bạch Mã có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành. Đây là tài nguyên du lịch sinh thái quí nhất của khu vực Bạch Mã. Đến với Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ có dịp khám phá nhiều đường mòn thiên nhiên kỳ ảo như: đường mòn Trĩ Sao, đường mòn thác Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Hải Vọng Đài. Du khách cũng có thể thấy những tòa nhà đổ nát được xây dựng bằng đá Granit với kiến trúc Pháp cổ nằm rải rác trên đỉnh núi và các triền núi xung quanh. Đó là dấu tích của khu biệt thự và khách sạn do kỹ sư người Pháp M. Girard phụ trách xây dựng năm 1932 với ý định biến nơi đây thành khu nghỉ mát trong cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và xinh đẹp. Tại đây đã phục hồi được hai biệt thự cổ thời Pháp ở khu trung tâm đỉnh Bạch Mã để làm trạm nghiên cứu bảo vệ và là nơi đón tiếp, lưu trú của khách. Hệ thống dịch vụ, vận chuyển tại vườn có thể đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ và tham quan của du khách.

Nhà thờ Chính tòa Phú Cam
Nhà thờ Chính toà Phú Cam thuộc phường Phước Vĩnh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là nhà thờ xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.
Nhà thờ Chính toà Phú Cam được xây theo quan niệm vật lý kết cấu mới. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc, mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín cung thánh và bàn thờ.

Chùa Từ Hiếu
Chùa tọa lạc tại núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chùa được xây theo kiểu chữ “khẩu”, chùa chính ba căn, hai chái. Chính điện phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ.
Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu, chùa chính ba căn, hai chái. Chính điện phía trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ. Nhà hậu là Quảng Hiếu Đường, ở giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh Phật Tử tại gia, bên phải thờ các vị thái giám..., bên tả sân hậu là Tả Lạc Thiên (nhà tăng) và bên hữu là Hữu Ái Nhật (nhà khách).
Cổng chùa xây theo kiểu vòm cuốn hai tầng, phía trên chính giữa thờ tượng Hộ pháp. Trong cổng tam quan có hồ bán nguyệt thả hoa sen, hoa súng và cá cảnh. Hai bên sân có hai lầu bia để ghi lịch sử xây dựng chùa.
Năm 1894, hoà thượng Cương Kỷ tiếp tục trùng tu và kiến thiết toàn cảnh với sự giúp đỡ của vua Thành Thái, các giám quan và nhiều phật tử. Năm 1931, hoà thượng Huệ Minh tiếp tục trùng tu và xây hồ bán nguyệt. Năm 1962, hòa thượng Chơn Thiệt tiếp tục trùng tu chùa. Chùa được Thượng tọa Chí Niệm cho trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt và những nhà cửa bị hư hỏng. Chùa là một trong những ngôi cổ tự lớn ở cố đô Huế.

Văn Miếu Huế
Văn Miếu quay về hướng nam, tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, thuộc xã Hương Long, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Văn Miếu được lập ra để tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho, đồng thời là nơi đào tạo nhân tài của đất nước.
Trước đây, các chúa Nguyễn xây dựng Văn Miếu tại thủ phủ và thay đổi vị trí qua ba địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán, làng Long Hồ.
Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt bằng ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh. Trước mặt là dòng sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi lan ra từ rặng Trường Sơn bọc lấy đằng sau Văn Miếu. Các công trình của Văn Miếu Huế được xây dựng trong mặt bằng hình vuông mỗi cạnh chừng 160m. Xung quanh có xây la thành bao bọc. Tất cả chừng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sĩ và 4 tấm bia khác. Văn Miếu (điện thờ chính đức Khổng Tử và Tứ Phối, thập nhị triết), hai nhà Ðông Vu và Tây Vu (thờ thất thập nhị Hiền và các tiên nho), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), nhà Tổ công, Ðại thành môn, Văn Miếu môn... Các toà nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim và các vật liệu đắt giá khác. Bố cục kiến trúc, trang hoàng và trang trí nội ngoại thất đều mang tính đăng đối uy nghi, văn vẻ.
Văn Miếu đã nhiều lần được tu sửa, xây dựng thêm các công trình phụ, nhất là dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong thời trị vì của vua Gia Long, triều đình chưa mở các kỳ thi Hội, mới chỉ có các khoa thi Hương nên tại đây chưa dựng bia tiến sĩ. Từ thời Minh Mạng về sau (1820 - 1840) mới mở các khoa thi Hội, nên bắt đầu dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu để khắc tên những người thi đậu. Các “tiến sĩ đề danh bí” được lần lượt dựng lên ở sân Văn Miếu từ năm 1831 đến năm 1919, năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh...
Hơn nửa thế kỷ nay, chiến tranh và thiên nhiên đã tàn phá Văn Miếu, chỉ còn lại 34 tấm bia đá là những di tích có giá trị nhất về nghệ thuật, văn hoá và lịch sử.
Hai tấm bia trong hai Bi đình ở sân Văn Miếu khắc bài dụ của vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Tấm bia bên trái khắc bài dụ của Minh Mạng đề ngày 17/3/1836, đại thể nội dung nói rằng các thái giám trong nội cung không được liệt vào hạng người có thể tiến thân. Tấm bia bên phải khắc bài dụ của Thiệu Trị đề ngày 02/12/1844, ý nói rằng bà con bên ngoại của vua không được nắm chính quyền. 32 tấm bia tiến sĩ dựng thành hai dãy ở hai bên sân đối diện nhau. Tất cả 32 bia đều có rùa đội bia và làm bằng đá thanh cẩm thạch. Bia tiến sĩ ở đây không cao lớn bằng bia ở Văn Miếu Hà Nội nhưng đều đặn hơn, dạng thức, trang trí khác hơn... Trên 32 tấm bia này đã khắc tên, tuổi, quê quán của 239 vị tiến sĩ đậu chánh bằng qua các kỳ thi Hội được tổ chức dưới triều Nguyễn.
Văn miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quí giá. Thăm lại Văn Miếu sẽ giúp du khách hiểu thêm về truyền thống ưa chuộng văn tài, coi trọng trí thức và khuyến khích người hiếu học của ông cha ta từ ngàn xưa.

Trường Quốc học Huế
Trường Quốc học Huế tọa lạc bên bờ Sông Hương, trên đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Ninh, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trường Quốc học Huế ra đời trong âm mưu nô dịch văn hoá của thực dân Pháp và tồn tại hơn một thế kỷ. Trường từng là nơi học tập của nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều nhà hoạt động văn hóa xuất sắc.
Sau khi tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp - Việt Ðông Ba, trò Nguyễn Sinh Cung (hay Nguyễn Tất Thành, tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy) thi đậu vào học tại trường Quốc học Huế. Hồi ấy, trường có hai dãy nhà lợp tranh, tường gạch, cột gỗ, nhìn ra sông Hương và nằm song song với đường Jules Ferry, nay là đường Lê Lợi. Cổng trường xây hai tầng, tầng trên treo tấm bảng khắc chữ Trường Quốc Học sơn son thếp vàng, hai bên đắp nổi hai con rồng bằng mảnh sứ... Nay trên bức tường rào phía phải cổng chính còn tấm “bình phong”...

Làng làm nón bài thơ Tây Hồ
Làng làm nón bài thơ Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế.
Từ Tây Hồ, những chiếc nón bài thơ toả đi khắp nẻo đường và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật của mỗi phụ nữ Huế. Chỉ với nguyên liệu đơn giản của lá dừa, lá gồi, những chiếc nón bài thơ vẫn trở thành vật “trang sức” của biết bao thiếu nữ. Với nhiều người, lựa nón, lựa quai cũng là một thú vui nên không ít người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình với dòng thơ yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại trong cái nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với áo dài trắng, nón trắng và tóc thề. Những gương mặt trẻ trung ẩn hiện sau vành nón sáng lấp loá đã trở thành một ấn tượng rất Huế, rất Việt Nam.

Phá Tam Giang
Phá Tam Giang giới hạn phía bắc là cửa sông Ô Lâu, phía nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An, thuộc địa phận 12 xã của ba huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền và Hương Trà.
Phá Tam Giang và Cầu Hai là 2 đầm phá nước lợ lớn nhất, tiêu biểu nhất ở Việt Nam.
Ðồng bằng ven biển Thừa Thiên - Huế có nhiều đầm phá, vũng như phá Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Thuỷ Tú, đầm Cầu Hai, vũng Lập An. Ðây là tụ hội của hầu hết các con sông trước khi đổ ra biển.
Phá Tam Giang và Cầu Hai có chiều dài gần 70km đã án ngữ hầu hết chiều dài của tỉnh Thừa Thiên - Huế và là vùng nước lợ lý tưởng cho nhiều loại thủy sản sinh sống.
Phá Tam Giang có độ sâu từ 2 đến 4m, có nơi sâu tới 7m, mặt nước rộng mênh mông là địa bàn hoạt động kinh tế quan trọng mang lại những giá trị tài nguyên to lớn.
Hàng năm, người dân khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Những năm gần đây, trên vùng đầm phá đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và trồng rau câu. Dự án xây dựng cầu Thuận An bắc qua Phá Tam Giang đã hoàn tất, tạo điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.

Bãi biển Cảnh Dương
Bãi biển Cảnh Dương thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bãi biển Cảnh Dương là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Huế.
Bãi biển Cảnh Dương dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Ðông, phong cảnh rất hấp dẫn. Bãi biển có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió, rất thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch và thể thao.

Chợ Đông Ba
Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.
Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực.
Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.

Các lưu ý khi đi du lịch Huế

Thời điểm tốt nhất du lịch huế

Ở Huế, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng nực oi bức, nhiệt độ có khi lên tới 35-40 độ C. Tháng 8 đến tháng 1 là mùa mưa, trong đó từ tháng 10 trở đi là mùa bão lụt, nhiệt độ trung bình 20 độ C, có khi xuống thấp đến 9 độ C. Mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2. Vì vậy bạn nên cân nhắc về thời điểm khi đi du lịch Huế.Ngoài ra thời điểm diễn ra Festival Huế (một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam) cũng là một điều bạn nên cân nhắc.Nếu là 1 người đã từng đi, và ít nhiều biết đến Huế, thì đi vào dịp Festival hay không thì không quan trọng.Nếu là 1 người hoàn toàn xa lạ với Huế, thì có lẽ Festival là dịp hợp lý nhất. Vì không những bạn sẽ biết thêm được 1 Huế thơ mộng, mà sẽ còn tìm hiểu, khám phá được những nét văn hóa đẵc thù nơi đây mà qua sách báo, tranh ảnh cũng không thể cảm nhận được tất cả.

Lưu ý khi tham gia tour du lịch Huế

Đọc kỹ nội dung và chương trình tham quan trước khi đặt tour du lịch Huế.
Quý khách mang bản chính CMND đối với khách Việt Nam và bản chính Hộ Chiếu đối với Kiều bào & ngoại quốc. Đối với khách Kiều bào & ngoại quốc nhập cảnh bằng visa rời cần mang theo visa và tờ khai hải quan khi đi du lịch Huế .
Trẻ em (dưới 14 tuổi) khi đi du lịch, nếu không có Cha hoặc Mẹ đi cùng phải có giấy ủy quyền của Cha Mẹ và có xác nhận của công an địa phương và mang theo giấy khai sinh (bản chính hoặc sao y có thị thực) để làm thủ tục hàng không và các thủ tục hành chính khác.
Nên  có mặt tại sân bay ít nhất 90 phút trước giờ khởi hành đối với các tour khởi hành bằng máy bay; 30 phút đối với các tour khởi hành bằng xe lửa; tối thiểu 15 phút đối với các tour khởi hành bằng xe và nên mang theo hành lý gọn nhẹ, va li không quá cồng kềnh. Dịp cao điểm theo quy định của hãng vận chuyển.

Hỏi rõ hướng dẫn viên về Qui định nhận & trả phòng tại các khách sạn / resort ( thường là nhận phòng sau 14h và trả phòng trước 11h )

UniViet kính chúc Quý khách có một tour du lịch Huế vui vẻ thú vị!

Tác giả bài viết: UniViet

Những tin mới hơn