Hotline: 0913.935.593

Tour nổi bật

HÀ NỘI - TRÀNG AN -...

Thời gian tour: 3 ngày 2 đêm
3,850,000 Đ

TẾT ĐẢO NGỌC M2 - M4...

Thời gian tour: 3 ngày 2 đêm
6,590,000 Đ

HÀ NỘI - TRÀNG AN -...

Thời gian tour: 5 ngày 4 đêm
5,100,000 Đ

HÀ NỘI - HÀ GIANG -...

Thời gian tour: 4 ngày 3 đêm
3,550,000 Đ

ĐÀ NẴNG - SƠN TRÀ - BÀ...

Thời gian tour: 5 ngày 4 đêm
3,900,000 Đ

Tìm kiếm

Tư vấn trực tuyến


Sale1 - 0918 531 573

Sale2 - 0913 935 593

Sale3 - 0988 183 809

Sale4 - 028 3911 0768

Sale5 - 028 3911 0758

Trang chủ » Điểm đến » Trong nước

Phố cổ Hội An

Thứ hai - 22/05/2023 14:21
Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An

Thị xã Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia v.v.. đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Thị xã có những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hội An. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ... Hội An là một bảo tàng sống, khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
HOA ÐĂNG PHỐ CỔ

Thương cảng Hội An với tên gọi xưa kia là cảng Ðại Chiêm được hình thành khi những thương gia nước ngoài, nhất là người Nhật Bản và người Trung Quốc từng bước thiết lập cơ ngơi để sinh sống cũng như buôn bán lâu dài.

Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca Bài Chòi, Hò Khoan, Giã Gạo...vẳng lên từ con thuyền đậu dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố ...


Thị xã nhỏ bé nằm trên đất Quảng Nam này từng là nơi chứng kiến hai cuộc giao thoa văn hoá lớn trong lịch sử dân tộc Việt: Lần thứ nhất cách đây hơn 5 thế kỷ, khi nước đại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi, và lần thứ hai cách đây hai thế kỷ, khi người phương tây theo các chiến thuyền và thương thuyền đặt chân lên mảnh đất này với ý đồ truyền bá và thôn tính. Cả hai sự kiện lớn đó đều kéo theo tương tác văn hoá lớn lao và nền văn hóa Việt đã vượt qua thử thách đồng hoá để tự cải biến và tồn tại cùng thời cuộc. Giờ đây, du khách tới Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, sẽ mất nhiều thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông.

Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chẩy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn mầu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Cầu chùa, dẫy nhà cổ hai tằng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng Ðông, Phúc Kiến...  đang lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Ðặc biệt, khu phỗ cổ mạng một vẻ lãng mạng, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng.

Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện từ mùa thu năm1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ ngay từ buổi đầu tiên. Vào mỗi đêm 14 âm lịch, mọi sinh hoạt của thị xã bình yên này được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, và khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đã hàng loạt tắt đèn và treo trước hiên nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo.

Dù toả sáng nhờ ngọn điện thông thường, song ánh sáng của đèn lồng mờ dịu và phảnh phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn quả trám to nhỏ các cỡ... tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo. Trong đêm hoa đăng, phố cổ đã tự nguyện ngừng sử dụng các thiết bị điện như TV, đèn đường, đèn neon... nhưng người dân Hội An không thấy đó là điều bất tiên cho cuộc sống của mình.

Cường độ ánh sáng giảm đi, song chất men say của thị xã lãng mạn đã bốc mạnh trong mỗi con người khi đi qua phố cổ.

Trong ngôi nhà cổ rêu phong, bóng người phụ nữ áo dài thời trước cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng được tạo thành từ chiếc nơm cá giản dị, bên vỉa hè, hai người già râu tóc bạc phơ đang chìm đắm vào suy nghĩ với ván cờ tướng thắp sáng bởi ngọn nến lung linh... Dường như con người đang được sống với dĩ vãng khi mà những phiền toái của cuộc sống hiện tại chưa hiện hữu.

Trong bầu không khí cổ tích đó, hãy kiểm nghiệm sự hiện hưu bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Tại tiệm ăn FaiFo trên đường Trân Phú, những chiếc đèn lồng nhỏ xíu hình dáng cổ điển chiếu một nguồn ánh sáng vàng ấm áp, hoà điệu cùng cặp đèn lớn có dán lời cầu ước chữ Hán theo phong tục cổ xưa trước mái hiên. Ðộc đáo hơn là cách bài trí của tiệm cafe có tên "Treated". Tại đây, người chủ đã khoét thủng trần gỗ và lồng vào những chiếc rá tre vo gạo bình dị. Hàng lỗ thủng đều đặn của rá tre đã tạo ra một nguồn ánh sáng ngộ nghĩnh và độc đáo. Có phải người chủ nào cũng đủ cam đảm khoét thủng trần gỗ của nhà mình ra ?

Hiện diện trên phố Hội An là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Ðó có thể là mầu đỏ may mắn, mầu vàng tươi vui, mầu gấm huyết diụ kiêu sa hay sắc xanh lãnh lẽo. Tuy nhiên khó so sánh được với những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ chưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự. Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi ngọn nến bên trong toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.

Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo... vẳng lên từ con thuyền đậy dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố... tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, không quá sôi động như chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Hội An

Cù Lao Chàm
Cù lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.
Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ Tây - phương xưa thường ghi Cù lao Chàm với tên "Champello" lấy từ tiếng Nam - Ấn (Autronesian) "Pulau Champa". Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh,Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ. Tháng 10 năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007. Ngày 29.5.2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc).

Khu phố cổ Hội An
Hội An là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo.  Phố cổ Hội An được công nhận là một di sản thế giới UNESCO từ năm 1999.  Hiện nay chính quyền sở tại đang tích cực khôi phục các di tích, đồng thời phát triển thành một thành phố du lịch. Hội An đã đươc công nhận là đô thị loại III và đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Khu phố cổ Hội An là mẫu hình tồn tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 15 - 16. Cảng thị này có mầm mống sơ khai từ trước Công nguyên với nền văn hoá Sa Huỳnh được tiếp tục phát triển dưới thời Chăm (thế kỷ 2 sau CN - thế kỷ 15) và cực thịnh trong thời Đại Việt, Đại Nam (thế kỷ 15 - thế kỷ 19). Bên cạnh các di tích, di chỉ khảo cổ có niên đại trên 2000 - 3000 năm là một số lượng lớn di tích kiến trúc, chủ yếu làm bằng gỗ, có niên đại phổ biến từ thế kỷ 17 - 19.
Năm 1999, đã có 1360 di tích, danh thắng với nhiều loại hình được thống kê. Đó là những đình, chùa, lăng, miếu, mộ, cầu, giếng, nhà thờ tộc, thánh thất, hội quán, nhà ở ... phân bố theo những trục đường truyền thống nhỏ hẹp, vừa mang đậm sắc thái địa phương Việt Nam, vừa thể hiện rõ sự giao lưu hội nhập văn hoá mạnh mẽ với các nước phương Đông và phương Tây.
Liên tục trong nhiều thế kỷ, những giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân Hội An cùng với phong tục tập quán, các sinh hoạt, vui chơi, giải trí, cũng như các món ăn xưa vẫn được giữ gìn, và phát huy tương đối tốt.

Làng hoa trái Đại Bường
Làng hoa trái Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách Hội An khoảng 20km. Đây là một ngôi làng trù phú, cung cấp cây trái cho Đà Nẵng và Hội An.
Đại Bường giống như một bán đảo có đồi thấp, đồng ruộng, làng mạc, dòng sông và được bao bọc bởi hàng tre xanh. Làng như một chấm xanh ẩn trong lòng đầy quả lành trái ngọt giữa bàng bạc sông nước Thu Bồn. Sông Thu Bồn được mệnh danh là “cội nguồn xứ Quảng”, đã bồi đắp, hào phóng ban tặng phù sa để dần hình thành được một làng quê trù phú như những miệt vườn cù lao ở Nam bộ. Nhiều du khách đến đây đều cảm nhận đây giống như “Làng Nam bộ giữa miền Trung”, vì nhìn thấy ở đây có các thứ cây trái thuộc loại đặc sản phương Nam như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Thế nhưng, ở đây còn có cả những trái cây đặc sản của miền Bắc như vải thiều… Mà hầu hết các loại cây của các vùng miền cả nước đều có thể ra hoa kết trái ở Đại Bường. Chính vì sự phong phú đa dạng đó nên nơi đây được coi như một cõi lạ giữa miền Trung.
Đặc sản của làng Đại Bường là trái trụ lông, hình dáng như trái bưởi nhưng lạ lắm. Từ khi còn non, đến già rồi chín, trái được bao phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng, múi dày, tép lớn, tách ra không ướt nước như hầu hết các loại bưởi thường thấy mà khô, có thể tách rời từng tép, vị ngọt dìu dịu thanh khiết, mùi ý vị rất khó quên.
Ngoài ra, còn có giống bòn bon trái nhỏ, một đặc sản của xứ Quảng, mọc trên vùng núi phía tây Quảng Nam cũng khá phổ biến trong vườn nhà Đại Bường. Tương truyền, lúc bị anh em nhà Tây Sơn đuổi chạy, Nguyễn Ánh lạc vào rừng. Trong lúc đói lòng, ông gặp trái bòn bon và ăn để lấy sức. Lúc lên ngôi, Gia Long đã phong tước cho loại trái cây này là “trái cây tiến vua”. Mùa nào quả ấy, ghe thuyền thương hồ ngược xuôi, tấp nập về đây chở đầy cây trái xuôi về Đà Nẵng, Hội An...
Đến với Đại Bường, du khách đều ấn tượng bởi nét văn hóa còn mang đậm dấu ấn làng quê Việt Nam xưa, với cổng làng, lũy tre, những vườn cây xanh mát một khung cảnh thanh bình, yên ả, trù phú.

Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Khu du lịch sinh thái Thuận Tình
Thuận Tình (Tp. Hội An - Quảng Nam) nằm gần cửa biển Cửa Ðại, nơi sông Thu Bồn và Trường Giang gặp nhau trước khi đổ ra biển. Thuận Tình là một ốc đảo có những ngôi nhà nghỉ bằng gỗ ẩn giữa rừng dừa nước bạt ngàn hướng ra sông đón làn gió mát lạnh.
Trong không gian khoáng đạt của vùng sông nước là rừng dương chạy dài tít tắp là thảm cỏ xanh mởn như nhung dưới chân du khách... Nơi đây rất thích hợp với những chuyến dã ngoại cuối tuần, cắm trại, sinh hoạt tập thể. Theo tour du lịch sinh thái do Công ty Du lịch Thuận Tình tổ chức, đến đây du khách có thể đi thuyền trên sông, tìm hiểu đời sống của dân chài lưới hoặc tự tay mình buông câu, quăng lưới.
Ngoài ra du khách còn tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ mang tính cộng đồng, các trò chơi dân gian hấp dẫn: hứng trứng, đập om... Xe xuất phát tại Ðà Nẵng lúc 6h và kết thúc lúc 6h cùng ngày. Giá trọn gói 100.000đồng/người.

Hòn Kếm Đá Dừng
Hòn Kẽm Đá Dừng, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức.  Đây là một trong những thắng cảnh thiên nhiên khá lý tưởng của tỉnh Quảng Nam..
Đến với Hòn Kẽm Đá Dừng ngược dòng sông Thu từ Cửa Đại - Hội An hay đến từ sông Hàn - Đà Nẵng, sẽ là một cuộc du thuyền khá thú vị, trên dòng sông nước dài khoảng 30-40km, hoặc từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, bằng ô tô, theo quốc lộp 1A về hướng bắc, đến ngã ba Hương An, rẽ trái về hướng tây nam khoảng độ 40km, du khách sẽ đến Hòn Kẽm Đá Dừng.

Chùa Phước Lâm

Chùa tọa lạc tại phường Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Chùa do Thiền sư Ân Triêm khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII.
Chùa tọa lạc tại thôn 2, phường Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa do Thiền sư Ân Triêm khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII. Các Thiền sư kế tiếp trụ trì là Bình Man, Toàn Nhân, Huệ Quang, Vĩnh Gia, Phổ Minh, Trí Phước, Trí Giác đều tổ chức trùng tu chùa, đúc chuông, tạc tượng... Nổi tiếng là Hòa thượng Vĩnh Gia (1840 – 1918), đã từng làm trụ trì chùa Linh Ưng (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) năm 1884, làm Giáo thọ trong Đại giới đàn chùa Chúc Thánh năm 1893 và khai Đại giới đàn chùa Phước Lâm năm 1910. Nhiều pho tượng cổ ở chùa cũng được tạc trong thời Hòa thượng trụ trì.
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Chùa được xây theo phong cách Á Đông cổ, theo hình chữ "Môn" gồm các hạng mục: tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ tổ. Chính điện xây 3 gian, 2 chái, hai bên là 2 lầu chuông hình tháp. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của sư tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ. Chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của đạo Phật ở Hội An.

Hội quán Quảng Đông
Nằm tại Số 17 đường Trần Phú, Hội An. Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.
Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc... Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.

 Hội Quán Triều Châu
Hội quán Triều Châu là một hội quán lớn ở Hội An không kém Hội quán Phúc Kiến. Tuy vậy do nằm ở số 157 đường Nguyễn Duy Hiệu, thành phố Hội An, một vị trí không thuộc khu vực trục đường chính của phố cổ Hội An nên Hội quán Triều Châu không nổi tiếng bằng, mang dáng vẻ trầm lắng, lặng lẽ theo thời gian và ít được tham quan hơn so với Hội quán Phúc Kiến.
Hội quán Triều Châu được Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Triều Châu ở Hội An. Hội quán thờ các vị thần chế ngự sóng gió, qua đó cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm, xuôi gió. Hội quán là một công trình kiến trúc với bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng những họa tiết, trang trí bằng gỗ theo các truyền thuyết dân gian và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.

Cầu Nhật Bản (chùa Cầu)
Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An - cầu “Lai Viễn”. Cầu được người Hội An quen gọi là chùa Cầu, một di tích quen thuộc đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xem như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu nên từ đó người dân địa phương gọi là chùa Cầu. Đây là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại.
Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Cùng với chức năng điều tiết giao thông, thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong khu phố cổ, chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan đến truyền thuyết về việc trấn yểm thủy quái, thủy tai. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất sáu lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Hình ảnh chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer của Việt Nam.

Bãi biển Cửa Đại
Sau những ngày chìm đắm trong khung cảnh thơ mộng và những đêm dạo chơi dưới ánh sáng huyền ảo muôn màu của những cây đèn lồng ở phố cổ Hội An, thêm 4 km nữa, du khách đến với Cửa Đại, một bãi biển đẹp nhất ở Quảng Nam với những bãi cát dài xa tít, những ngọn sóng xô nhẹ cuốn mọi thứ ra xa trong nắng chiều óng ả. Một vẻ đẹp đến mê hồn!
Cửa Đại nổi bật bởi những khu nhà lộng lẫy, những khu resort mới xây tiện nghi và hiện đại, bao quanh là những khóm hoa rực rỡ sắc màu và toả hương thơm ngát. Những loài hoa dại nhỏ bé giản dị, khiêm tốn bên đường rập rờn những cánh bướm hay những cành phong lan kiêu kì đài các đẫm sương đêm. Những rặng liễu xoã mình xuống cát hay những hàng tre xanh vút trên trời cao tô màu trong nắng. Chút thơ mộng đó làm cho du khách thêm xao xuyến với cảnh đẹp nơi đây.
Cửa Đại mang vẻ đẹp "trẻ trung và sống động" nên mới chớm hè đã đông nghìn ngịt người, trẻ con, người lớn, khuôn mặt thật tươi tỉnh, khoan khoái. Tất cả đều thoả sức nô đùa và tràn ngập trong những niềm vui.Không khí ở Cửa Đại rất trong lành và dịu nhẹ, tạo cảm giác thư thái, an nhàn cho du khách. Có rất nhiều hình thức giải trí lôi cuốn ở Cửa Đại và chắc chắn có một cái gì đó thật đặc biệt dành cho mỗi người.
Khi bình minh lên, từ những khu nhà nghỉ, du khách có thể mở cửa sổ có ban công hướng ra biển để đón bình minh lên. Ngoài khơi xa kia mặt trời đang nhởn nhơ cùng với mây với gió, thấp thoáng ngoài xa những cánh buồm nhỏ đi tìm những luồng cá mới, báo hiệu một ngày mới tươi đẹp tràn về.
Buổi chiều là thời gian tốt nhất để du khách đắm mình trong làn nước biển xanh trong mát lạnh. Những con sóng vỗ nhẹ vào người tạo cảm giác thích thú, dễ chịu vô cùng. Những bãi cát trải dài lấp lánh dưới ánh nắng chói chang và cùng làn gió mang vị mặn của biển khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát hơn, và thoải má hơn.
Du khách cũng có thể nằm hàng giờ trên cát, lắng nghe tiếng gió biển vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào bên tai hay là nô đùa cùng mọi người, chơi những môn thể thao yêu thích và tạo cho mình một khoảng trời riêng bên những hình vẽ, những toà tháp bằng cát để rồi sóng biển vỗ vào lại tan ra.
Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển nên ở đây có rất nhiều cá. Một trong những điểm thích thú nhất thu hút du khách du lịch chính loại hình câu cá, săn những loài cá săn mồi như cá Hanh, Hanh Lươm, Hồng Vực... Du khách có thể câu ngay gần bờ hoặc cũng có thể thuê một chiếc mủng nhỏ lênh đênh trên biển giữa sóng trời mênh mông.Với những nét riêng của mình, Cửa Đại để lại trong lòng du khách một cảm giác khó quên khi rời nơi đây.

Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An 3 km về phía Tây (thuộc phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Gốm Thanh Hà - Hội An có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối Thế kỷ XV; tiếp thu những tinh hoa của xứ Quảng và đã phát triển rực rỡ vào Thế kỷ XVI, XVII cùng đô thị Hội An.
Gốm Thanh Hà từng là mặt hàng được mua bán trao đổi khắp các tỉnh miền Trung. Làng gốm Thanh Hà cùng với các làng nghề khác như làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế… tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An.
Dẫu đã có nhiều đổi thay, nhưng những gì còn lại ở làng gốm hơn 500 tuổi này vẫn là minh chứng sống động về một nghề thủ công đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ ở Hội An. Vẫn còn đó những bàn tay điêu luyện, tài hoa của những nghệ nhân gốm, vẫn còn đó cách thức sản xuất của thời xa xưa, và vẫn còn mãi nét duyên - mộc mạc của gốm Thanh Hà...

Chùa Ông
Chùa Ông, ở số 24 đường Trần Phú còn được gọi là Quan Công miếu, tên chữ là Trừng Hán Cung được người Minh Hương định cư tại Hội An và người Việt xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ), nhằm kính ngưỡng, ca tụng, tán dương lòng nghĩa khí, tiết trung liệt của Ông.
Toàn thể ngôi chùa gồm 4 tòa nhà, một tiền đình, 2 tả, hữu vu và một chính diện rộng. Bốn tòa cất xây theo kiểu chữ khẩu và kiến trúc, cấu trúc theo kiểu chồng tránh, ngói lợp và nóc rất độc đáo, trang trí Rồng, Giao. Chính điện đặt pho tượng Quan Vân Trường tướng quân, mặc thanh bào thêu rồng nổi kim tuyến, nét mặt oai nghiêm tươi sáng, đôi mắt sắc mà lung linh nhìn về phía trước.Chính điện còn có 2 pho tượng Châu Thương, người nô tì dũng cảm, trung thành của Quan Công và tượng Quan Bình nghĩa tử; 2 con ngựa thờ cao bằng ngựa thật, bên tả là con ngựa trắng, bên hữu ngựa xích thố – con ngựa mà Vân Trường rất quý khi được Tào Tháo ban cho. Đứng trước những pho tượng này khách thưởng lãm không thể không ngợi khen bàn tay tinh xảo tỉ mỉ của người thợ tạo hình từ xa xưa.

Các lưu ý khi đi du lịch Hội An

Thời điểm thích hợp du lịch Hội An

Hội An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài.

Lưu ý khác

Hội An rất thú vị vào sáng sớm, đường phố vắng lặng, những người dân Hội An chuẩn bị bắt đầu ngày mới, không có ánh đèn điện, người bán người mua tấp nập thân tình

Cũng có thể đi dạo Hội An ban đêm trong những ngõ ngách thanh tịnh của phố cổ.
Nên đến Hội An vào ngày rằm, 14 âm lịch, lúc này có Đêm phố cổ, cấm xe máy, đèn điện, nhà nhà đốt đèn lồng, có phố đi bộ, hát dân ca, hò xứ Quảng…
Hàng đêm ngay Bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.

UniViet kính chúc Quý khách có một tour du lịch Hội An thú vị!

Những tin mới hơn