Hạ Long - Di Sản Thế Giới

Hạ Long - Di Sản Thế Giới
Vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động



 

Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, được giới hạn trong các tọa độ từ 1060 58’ - 1070 22’ kinh độ Đông và 200 45’ - 200 50’ vĩ độ bắc, với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.
Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long.  Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Caxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong một diện tích không lớn, hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long.

Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.

Từ trên cao nhìn xuống, vịnh hạ long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.

Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...

Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di Sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long

Xuất xứ tên gọi:

Hạ Long nghĩa là “Rồng xuống”. Tên này chưa thấy được ghi chép trong các thư tịch cổ của nước ta từ trước thế kỷ XIX. Khi nói đến khu vực Vịnh Hạ Long ngày nay, sử sách xưa thường chép chung là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy, Vân Đồn, Hải Đông, An Bang... Mãi đến cuối thế kỷ XIX, tên Vịnh Hạ Long mới thấy xuất hiện trên bản đồ hàng hải Vịnh Bắc Bộ của Pháp.

Vậy tên Hạ Long bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ? Trong dân gian từ bao đời nay vẫn lưu truyền câu chuyện huyền thoại gắn liền với sự ra đời tên gọi của Vịnh Hạ Long. Truyện kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành.

Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới - nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)”.

Câu chuyện dân gian gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”. Rồng, Tiên chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hoá và có lẽ người đặt cho vùng biển đảo cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài dân gian nơi đây. Ngày nay, nhiều đảo núi trong Vịnh Hạ Long vẫn mang tên Rồng như: Đầu Rồng, Mắt Rồng, Hòn Rồng, Cái Rồng, ngoài xa có đảo Long Châu, đảo Bạch Long Vĩ.


 

​Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Hạ Long:

Đến du lịch Hạ Long, du khách có thể đi du thuyền để ngắm cảnh. Bạn sẽ nhìn thấy sương mù mờ ảo giống như trong những giấc mơ, nước biển trong như pha lê phản chiếu hình ảnh của những hòn đảo ở xa xa…Và du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà nổi của dân địa phương, những chiếc thuyền tấp nập qua lại trên vịnh. Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ làm cho du khách thích thú.

Bãi Cháy

Dọc theo bờ vịnh Hạ Long là khu nghỉ mát thường quen gọi là Bãi Cháy. Đến du lịch Hạ Long du khách có thể nghỉ ngơi và tắm biển ở đây. Khu nghỉ mát này quanh năm lộng gió biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng trên 20° C, có dãi đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển kéo dài hơn 2 km ôm lấy hàng thông cổ thụ nằm xen kẽ với những khách sạn cao tầng, những biệt thự nhỏ kiến trúc riêng biệt. Qua con đường rải nhựa, sát bờ vịnh là dải cát trắng và hàng phi lao xanh mát. Những hàng quán nhỏ xinh ẩn mình dưới những rặng phi lao. Tắm biển xong du khách có thể lên bờ ngồi thưởng thức những cốc nước mát lạnh để đón luồng gió biển.

Đảo Tuần Châu
Đảo Tuần Châu là một khu du lịch nổi tiếng bậc nhất ở miền Bắc và là hòn đảo đẹp nhất trong số 1.969 hòn đảo ở vịnh Hạ Long. Ngòai ra đây là hòn đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Tuần Châu nổi tiếng với bờ biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Du khách có thể thoải mái vui chơi trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng dài 4km. Các trò chơi bãi biển và dưới nước như : bóng chuyền bãi biển, đá bóng, lướt sóng, canô kéo dù, môtô trượt nước tốc độ cao sẽ đem lại cho bạn một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng. Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng và thưởng thức các món ăn ở Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách độc đáo, mô phóng kiến trúc cung đình Việt Nam thế kỷ 17 và 18.

Đảo Cô Tô

Quần đảo Cô Tô với nhiều hòn đảo nhỏ, sở hữu các bãi biển đẹp nhất tại khu vực Bắc Bộ, hệ sinh thái đa dạng khí hậu ôn hoà, tài nguyên rừng trù phú với nhiều loại gỗ quý. Các điểm đến được tạo dựng từ bàn tay con người hay tự nhiên đều hùng vĩ. Luôn làm hài lòng du khách đến tham quan, khám phá, dã ngoại hay nghiên cứu.

Ở Cô Tô, đi hướng nào cũng gặp biển. Nhưng điều tuyệt nhất là biển cực kỳ vắng vẻ, kể cả trong những dịp nhiều khách du lịch nhất. Cô Tô sở hữu hàng loạt bãi biển đẹp như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên và bãi nằm giữa đảo Cô Tô lớn và Cô Tô con. Nếu chịu khó đạp xe đến cuối bãi Tàu Đắm, không chỉ được tận hưởng làn nước trong vắt và mát lạnh mà còn có thể gặp các đàn chim mòng biển béo múp đi dọc bờ kiếm thức ăn. Trong khi bãi Bắc Vàn có nhiều sao biển thì Cầu Mỵ lại là nơi ngắm sóng và những vách đá kỳ thú. Tuy nhiên, đẹp nhất phải kể đến bãi Hồng Vàn với cát biển trắng mịn trải dài cả cây số, biển sạch và phẳng lì, mặt nước hầu như không có sóng và trong như một tấm gương khổng lồ. Bơi ở đây, bạn có thể thoả sức đuổi theo các đàn cá con lượn lờ, tung tăng ngay bên cạnh hay chỉ đơn giản là nổi ngửa trên mặt biển, ngắm sự thay đổi liên tục màu sắc và hình dáng của trời và mây. Điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng hoàng hôn biển là đài ngắm sóng. Đường mòn dẫn lên đài toàn hoa mua và hoa sim tím ngắt.

Các hang động

Hạ Long có hệ thống hang động rất lớn, mỗi hang động đều có những vẻ đẹp riêng và những câu chuyện gắn liền với nó. Đến du lịch Hạ Long du khách có thể chọn đi tham quan hang Luồn nằm trên đảo Bồ Hòn, cách Bãi Cháy 14km để ngắm nhìn những búp thạch nhũ được kiến tạo trong hàng triệu năm với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Bạn sẽ không thể tin vào mắt mình bởi khung cảnh ấy thật nguy nga và tráng lệ.  Phía trước hang là hòn Con Rùa, bên phải là Cổng Trời. Nơi đây vách đá dựng đứng, bốn mùa nước trong xanh phẳng lặng như một tấm gương soi. Sát mép nước, một chiếc cổng hình cánh cung mở ra dưới chân đảo. Ngoài ra du khách có thể tham quan các hang sau:

Động Thiên Cung
Nằm trên dãy đảo Đầu Gỗ, cách Cảng Tàu du lịch Bãi Cháy 4km về phía Nam, ở độ cao 25m so với mặt biển, diện tích rộng gần 3.000 m2, chia làm 3 ngăn lớn.

Hang Đầu Gỗ
Cùng nằm trên dãy đảo Đầu Gỗ, cách Thiên Cung 300m, rộng khoảng 5.000m2, chia làm ba ngăn. Hang có tên gọi là Đầu Gỗ - cách gọi trong dân gian được truyền lại đến ngày nay.

Hòn Lư Hương
Nằm ở phía Tây Nam của đảo Đầu Gỗ, cách cảng tàu du lịch khoảng 5km, có dáng hình như một lư hương thờ, dưới chân thắt lại mảnh khảnh.

Hòn Gà Chọi (Còn gọi là hòn Cặp Gà, hòn Trống Mái)
Nằm ở phía Nam của đảo Đầu Gỗ, cách hòn Lư Hương khoảng 800m. Hai hòn núi nhỏ, cao khoảng 12m tựa như một đôi gà đang tung cánh, đứng đối diện nhau, ở giữa là một khe biển hẹp.

Hang Sửng Sốt
Nằm trên đảo Bồ Hòn, nơi quây quần nhiều hang động nổi tiếng ở trung tâm Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 15 km.

Động Tam Cung
Nằm trên Hòn Mây cách hang Sửng Sốt khoảng 5km về phía Đông Bắc. Hang gồm 3 ngăn thông với nhau bằng những con đường nhỏ, chỉ một người lách qua.

Hòn Đầu Người
Nằm ở vị trí cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 2km về phía Đông Nam.

Hang Trống và Trinh Nữ
Hai hang này nằm trên hai cánh của vòng cung một núi nhỏ phía Đông đảo Bồ Hòn.

Động Mê Cung
Nằm trên đảo Lờm Bò, cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 2km, phía trước động là luồng giao thông thuỷ đi Bát Bà - Hải Phòng, phía sau động là thảm cây xanh bao quanh một hồ nước đầy chất thơ mộng.

Hang Tiên Ông
Nằm ở phía Tây Bắc của đảo Hang Trai. Cửa hang rộng gần 40 - 50m, cao 10m. Hang cao hơn mực nước biển từ 4 - 5m, nền rộng tới 1000m2.

Đảo Ti Tốp

Đảo Ti Tốp cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 7 - 8 km về phía đông nam. Đảo Ti Tốp có bãi cát hình vành trăng lưỡi liềm. Cát ở đây bốn mùa được nước thủy triều rửa sạch trắng tinh. Ngày 22/11/1962 hòn đảo nhỏ này được đón Hồ Chủ Tịch cùng nhà du hành vũ trụ, anh hùng lao động Liên Xô, anh hùng lao động Việt Nam Giéc Man Ti Tốp lên thăm và nghỉ tại đây. Để ghi dấu kỷ niệm chuyến đi đó, Hồ Chủ Tịch đã đặt tên cho đảo là đảo Ti Tốp. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch tắm biển hấp dẫn. Các dịch vụ thuê áo tắm, phao bơi, nước ngọt luôn sẵn sàng phục vụ du khách.
Trong bản đồ của Pháp vẽ về Hạ Long cuối thế kỷ 19, đảo Ti Tốp có tên là hòn Cát Nàng, hòn đảo nhỏ xinh đẹp ấy tựa lưng vào vịnh Cửa Lục phía trước là vụng Sửng Sốt có đảo Bồ Hòn, bên phải là hòn Dầm Nam.
Ngày 27/6/1997 Giéc Man Ti Tốp có dịp trở lại hòn đảo xưa mang tên mình. Ông đã xúc động ghi vào sổ lưu niệm của Ban Quản lý du lịch Hạ Long: “Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ này”.

Cụm di tích núi Bài Thơ
Núi Bài Thơ: Cao khoảng 200m, tựa như một ngọn tháp khổng lồ bên bờ Vịnh Hạ Long. Trước đây núi có tên gọi là Truyền Đăng. Năm 1468 vua Lê Thánh Tông trong một lần tuần du ở vùng biển An Bang (Vịnh Hạ Long ngày nay) đã ứng tác một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía nam. Từ đó núi mang tên là núi Đề Thơ, sau gọi là Bài Thơ. Ngoài bài thơ của vua Lê Thánh Tông, hiện nay trên vách núi phía đông nam còn có bài thơ họa của chúa Trịnh Cương (năm 1729) và chùm bài thơ của một số danh nhân thời Nguyễn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, núi Bài Thơ còn gắn liền với những sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân vùng mỏ. Ngày 1-5-1930, lần đầu tiên lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh núi, mở đầu giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vùng mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Bài Thơ là trạm gác phòng không, hang trú ẩn cứu thương, phục vụ chiến đấu và là nơi đặt trung tâm điện chính của bưu điện tỉnh Quảng Ninh.
Vị trí: Phường Bạch Đằng, trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là một quần thể di tích lịch sử ,văn hóa bao gồm: núi Bài Thơ, chùa Long Tiên và đền thờ Trần Quốc Nghiễn.

Đền thờ Trần Quốc Nghiễn
Nằm ở phía tây chân núi Bài Thơ. Đền thờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng nhà Trần có công đánh giặc bảo vệ vùng đông bắc Tổ quốc.

Chùa Long Tiên
Nằm ở phía bắc chân núi Bài Thơ. Chùa được xây dựng năm 1941 để thờ Phật là chính, ngoài ra còn thờ đức thánh Trần và thánh Mẫu. Đây là trung tâm Phật giáo lớn của thành phố Hạ Long. Lễ hội nơi đây diễn ra vào ngày 24-3 âm lịch hằng năm.

Nhà thờ Hòn Gai
Vị Trí: Phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà thờ Hòn Gai được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 trên một ngọn đồi cao, đứng trên đó du khách có thể nhìn bao quát được toàn bộ trung tâm của thành phố Hạ Long. Năm 1972, nhà thờ Hòn Gai bị phá hủy do chiến tranh. Đến năm 1998, nhà thờ đã được xây dựng lại khang trang và bề thế.
Đây là nhà thờ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Đến đây du khách không chỉ biết thêm về những nét kiến trúc tôn giáo độc đáo mà còn được tìm hiểu về tập quán lễ giáo, tín ngưỡng của giáo dân thành phố Hạ Long.

Bảo tàng Quảng Ninh
Vị Trí: 165 đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bảo tàng Quảng Ninh được xây dựng và hoạt động phục vụ từ năm 1991. Tại đây đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu gốc có giá trị về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Quảng Ninh và lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc vùng mỏ.

Cảng Cái Lân
Với các điều kiện tự nhiên thuận lợi như vũng nước sâu, rộng nằm gần cửa biển, luồng lạch ngắn, ít ảnh hưởng của sóng gió... cảng Cái Lân đã và đang được đầu tư để đáp ứng mọi nhu cầu về vận tải hàng hóa và các dịch vụ cung ứng hàng hải khác.
Hiện tại cảng đã có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 2,5 vạn tấn. Trong tương lai, cảng Cái Lân sẽ là cảng nước sâu lớn có qui mô hiện đại, đủ tiêu chuẩn là cảng biển quốc tế lớn nhất ở khu vực phía Bắc Việt Nam.
Vị Trí: Đường Hạ Long, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cảng Cái Lân là cảng biển nước sâu - một trong những cảng chính của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam.

Công viên quốc tế Hoàng Gia
Công viên quốc tế Hoàng Gia tọa lạc ở đường Hạ Long, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trung tâm vui chơi giải trí vừa hiện đại vừa dân tộc với nhiều loại hình phong phú gồm có: biểu diễn nghệ thuật dân tộc, múa rối nước, các trò vui chơi giải trí, vườn hoa phong lan, vườn xương rồng, các hoạt động thể thao dưới nước như kéo dù, đua thuyền, môtô nước ,thưởng thức các món ăn dân tộc Á, Âu...

Các lưu ý khi đi du lịch Hạ Long:

Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Hạ Long

Vịnh Hạ Long nằm ở miền Bắc Việt Nam, có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Hầu như vào bất cứ thời gian nào quanh năm cũng có thể đến du lịch Hạ Long, trong đó tốt nhất sẽ là vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Thời tiết vào những tháng này khá mát mẻ và dễ chịu.
Mặc dù như thế nhưng bạn cũng có thể du lịch Hạ Long vào những tháng mùa đông 12, 1 và tháng 2. Thời tiết có thể hơi lạnh và mây mù, thỉnh thỏang có mưa lất phất. Còn vào mùa hè tuy có rất nhiều du khách đến đây nghỉ ngơi và tham quan, nhưng đôi khi ở nơi này đông người sẽ thú vị hơn là vắng vẻ. Tuy nhiên trong suốt những tháng mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ tăng lên và  bạn có thể gặp bão trong mùa mưa.
Lưu ý khi đặt tour du lịch Hạ Long
Có nhiều nhà điều hành tour giới thiệu các tour du lịch Hạ Long với mức giá khá cạnh tranh, tuy nhiên, bạn cần kiểm tra chắc chắn xem mình có nhận được những sản phẩm và dịch vụ xứng đáng với đồng tiền bạn bỏ ra hay không. Với nhữngtour du lịch Hạ Long có mức giá đắt hơn, chất lượng của tàu thuyền, chỗ ở, xe cộ, thức ăn và hướng dẫn viên cũng “đắt” hơn. Một số câu hỏi mà bạn nên hỏi trước khi đặt tour du lịch Hạ Long là có bao nhiêu người sẽ đi trên xe ô tô tới Hạ Long và trên thuyền ở Hạ Long, phòng có điều hòa nhiệt độ không, các bữa ăn trên thuyền như thế nào, và thời gian du thuyền là bao nhiêu. Nhờ thế, bạn sẽ “nhìn thấy” trước được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.
Bạn cũng nên đọc kỹ chương trình tour Hạ Long và theo hướng dẫn của Hướng Dẫn Viên, không nên tự ý tách đoàn.
Nếu bạn ham mê khám phá thú vui đi xuồng trên vịnh, bạn cũng nên kiểm tra xem thời gian đi xuồng là bao nhiêu, để có thể dự đoán chuyến đi có đáp ứng mong muốn của bạn không.
Bạn không thể bơi lặn vào mùa thu hay mùa đông bởi vì thời tiết lúc này khá là lạnh. Khi bạn đến tham quan nơi này bạn nên mang theo đồ bơi và quần short và áo thun, và mang đầy đủ quần áo cho thỏai mái.

Các lưu ý khác
Để có thể dễ dàng thuê phòng với giá không quá đắt, bạn nên đi du lịch Hạ Long vào đầu tuần hoặc giữa tuần. Bắt đầu từ thứ 6 đến chủ nhật, Hạ Long thường xuyên hết phòng và giá phòng thường bị nâng lên khá cao.
Về vấn đề mua bán và ăn uống trên Vịnh, bạn nên cẩn thận trước khi quyết định mua một cái gì đó. Thông thường, bến tàu không cho phép tàu đi quá 18h. Tuy nhiên, nếu bạn đi chuyến chiều và thỏa thuận được với chủ thuyền thì có thể có một bữa ăn tối trên biển. Tuy nhiên, chắc chắn giá sẽ không hề rẻ và thường xuyên bị cân gian hàng. Tốt nhất là bạn chỉ nên mua vé thăm quan và tránh bất kỳ việc mua bán, ăn uống trên biển. Để chống đói, bạn có thể mua bánh mỳ, thịt hộp... mang theo để ăn.
Hãy đến với người dân biển để có thể hiểu hơn về vùng đất này. Xét về cơ bản, người dân biển rất thân thiện và thẳng thắn. Nếu bạn chân thành và vui vẻ, họ cũng sẽ đón tiếp bạn một cách thoải mái nhất có thể. Có thể đến với họ bạn không có được sự đầy đủ, tiện nghi nhưng bù lại, bạn có thông tin, có hình ảnh, có được cái chất của con người ở biển.

UniViet kính chúc Quý khách có một tourdu lịch Hạ Long đầy thú vị!!