Cà Mau

Cà Mau
Tổ quốc tôi như một con tàu Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau Câu thơ rất hay của nhà thơ Xuân Diệu mà nhiều người từng đọc đã gợi tả sinh động vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Là người Việt Nam, ai chẳng muốn được một lần xuôi về Đất Mũi Cà Mau, nơi chót cùng bản đồ hình chữ S để cảm nhận hết sự kỳ vĩ của bạt ngàn rừng đước, rừng tràm; sự diệu kỳ của hạt phù sa lấn biển; được chiêm ngưỡng, khám phá sự đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái trên đất than bùn, hệ sinh thái biển… Nơi đây, vừa được Unesco công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Mũi Cà Mau hướng về phía tây, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Bên trái Mũi giáp biển Đông dài 104 km, bên phải giáp biển Tây, tức Vịnh Thái Lan dài 145 km.
Mũi Cà Mau cũng là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây.
Người Việt khi nói về đất nước của mình thường dùng câu “Nước Việt Nam trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau“. Vì vậy, trong tâm thức người Việt, cùng với Ải Nam Quan, Mũi Cà Mau là một địa điểm thiêng liêng, xa xôi nhưng rất đỗi gần gũi.
Đất Mũi Cà Mau – nơi cực nam của Tổ quốc Việt Nam là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer.
Tại sao lại có tên gọi là Cà Mau:  Tên gọi Cà Mau được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là Nước đen. Do Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Từ đó tên Cà Mau được gắn liền với đặc trung của vùng đất này
Cà Mau nằm cách TP Hồ Chí Minh 370 km, cách Cần Thơ 180 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Kiên Giang, ba hướng còn lại đều tiếp giáp với biển. Diện tích tự nhiên là 5.329 km2. Thành phố Cà Mau là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh.
Về du lịch: Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam, mang đậm nét đặc thù của vùng đồng bằng Nam Bộ, Cà Mau có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và du lịch ven biển, biển đảo với các điểm đến hấp dẫn như bãi Khai Long, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc. Đặc biệt nhất là khu du lịch sinh thái rừng ngập bãi bồi Mũi Cà Mau và rừng Tràm U Minh Hạ  đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá thế giới (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Con người Cà Mau: chất phác, mến khách, trọng nghĩa tình; giàu tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ trước những năm 30 ở Cà Mau đã có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân chống lại địa chủ, hương quản cướp bóc ruộng đất. Năm 1930 các chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức. Hưởng ứng cuộc khởi nghiã Nam Kỳ, năm 1940 Tỉnh ủy Cà Mau đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi vào trang vẻ vang của tỉnh. Từ đó ngày khởi nghĩa Hòn Khoai 13/12 trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ, quân dân tỉnh Cà Mau.
Địa bàn Cà Mau từng là nơi hoạt động của nhiều đồng chí cách mạng tiền bối như Lê Duẩn, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt v.v.. là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị vùng Tây Nam bộ. Mảnh đất này đã sản sinh ra những tấm gương anh hùng tiêu biểu như: Trần Văn Thời, Phan Ngọc Hiển, Lâm Thành Mậu, Nguyễn Việt Khái, Hồ Thị Kỷ, Lý Văn Lâm  v.v… Mũi Cà Mau còn là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược của đường Hồ Chí Minh trên biển, đến nay còn để lại sự huyền bí về ý chí oai hùng và sứ mệnh lịch của những “con tàu không số” mà người anh hùng Bông Văn Dĩa của Cà Mau trở thành tiêu biểu. Trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc Cà Mau lập nên chiến công CM 12 vào năm 1984, phá tan kế hoạch xâm nhập của tổ chức phản động ở nước ngoài do bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Những chiến công và tấm gương đó đi vào lịch sử là niềm tự hào mãi mãi của quê hương Cà Mau.
Do đặc điểm sống ở vùng sông nước, rừng biển sâu xa nên loại hình đàn ca cải lương trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân; miền đất này còn xuất hiện truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại; hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Sông Đốc và một số lễ hội dân gian khác.
 Những địa danh lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh có sức thu hút du khách như Mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, rừng đước Năm Căn, rừng tràm U Minh hạ, bãi Khai Long, Giá Lồng đèn, các sân chim, công viên Văn hóa, đầm Thị Tường v.v.. Tên tuổi của những danh nhân văn hóa như nhà giáo Phan Ngọc Hiển, nhà báo Nguyễn Mai, bác Ba Phi, v.v..đã để lại trong lòng người sự mến yêu, ngưỡng mộ về cảnh vật hữu tình, con người dũng khí của đất Cà Mau.


Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Cà Mau

Đảo Hòn Khoai
Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 14,6km, nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn.
Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn.
Nếu đi tàu 90CV từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai - một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.
Thật ra địa danh Hòn Khoai không chỉ có một đảo; trái lại, ngoài hòn Khoai là đảo lớn nhất, còn có thêm 5 hòn đảo xinh xắn khác vây xung quanh.
Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn.
Trên đỉnh cao nhất của hòn Khoai, hiện nay vẫn còn một cây hải đăng do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây, vào những năm 40, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phạm Ngọc Hiển đã lãnh đạo một nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy đến tận ngày nay. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà cụ thể là cuộc khởi nghĩa của thầy giáo Phạm Ngọc Hiển (sau này tỉnh Minh Hải đã đặt tên Ngọc Hiển cho huyện Năm Căn trước đây).
Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Đặc biệt, bạn có thể hướng kính viễn vọng về mũi Cà Mau để một lần trong đời được chiêm ngưỡng từ xa cái mũi đất thiêng liêng của tận cùng tổ quốc, mà không dễ có ai ngắm được nếu không ra Hòn Khoai.

Vườn chim Cà Mau
Thuộc huyện Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau khoảng 45km về phía đông nam. Đây là nơi cư ngụ của các loại cò.
Các loài chim ở đây thường làm tổ trên các cây cao và dành cả buổi sáng để đi kiếm thức ăn. Đây chính là cơ hội rất tốt để du khách có thể quay phim, chụp ảnh.

Rừng U Minh
Rừng U Minh nằm sát vịnh Thái Lan, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Rừng U Minh là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.
Rừng U Minh gồm phần trên là U Minh Thượng, phần dưới là U Minh Hạ. Giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ.
Rừng U Minh được coi là nơi có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng với khoảng 250 loài thực vật, chủ yếu là cây tràm mọc khắp nơi, hơn 180 loài chim, hơn 20 loài bò sát... Sinh cảnh của rừng U Minh còn là hiện trường và hệ quả của tiến trình diễn biến động thái của những hoạt động kiến tạo địa chất.

Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 50km đường thủy. Hòn Đá Bạc có diện tích 6,43ha, là cụm đảo đẹp gồm ba đảo nằm sát bờ biển.
Trên đảo có nhiều cảnh đẹp như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Tiên, chùa Cá Ong trong một hệ sinh thái thực vật phong phú.
Đảo Đá Bạc là một trong những điểm du lịch đẹp của Cà Mau.

Mũi Cà Mau
Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 118km bằng đường thủy. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây.
Đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam của đất nước là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc.
Vâng, mũi Cà Mau – nơi tận cùng phương Nam thao thức gọi mời những bước chân lữ hành. Khi bạn có mặt, chung quanh sẽ là đước, trước mặt là biển; đầu đội trời chân đạp đất, nghe lặng thầm điệu ru đất nước dầu dãi 300 năm lớp con Rồng cháu Lạc đi mở cõi xứ này đặt tên mũi Cà Mau.
Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú, thủy sản sinh sống đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ.
Trước hết phải nói tới rừng ngập mặn với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đặc biệt bãi bồi đất mũi là vùng giao lưu của triều biển Đông và biển Tây, như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm...
Từ Mũi Cà Mau có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp gồm các Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi. Lớn nhất và cao nhất là Hòn Khoai, rộng khoảng 4km², đỉnh cao 318m, có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông, vịnh Thái Lan.

Đình Tân Hưng
Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước. Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992.
Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ. 
Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930). Đây còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.
Sau khi được xếp hạng, di tích sẽ được qui hoạch xây dựng phần sân thành vườn hoa và xây bia lưu niệm. Riêng công trình nhà chính sẽ được sửa chữa trùng tu để tổ chức các sinh hoạt văn hoá, kể truyện truyền thống.

Chùa Quan Âm
Tọa lạc 84/4 đường Rạch Chùa, phường 4, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Kiến trúc chùa hiện nay do Hoà thượng Thiện Tường và Thiện Đức xây vào năm 1936. Trong chùa có bia dựng "Sắc tứ Quan Âm cổ tự" và tháp Hoà thượng Trí Tâm.
Chùa do Hoà thượng Tô Quang Xuân dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19, lúc bấy giờ chỉ là một am nhỏ để ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau ngài về tu ở chùa Kim Chương (Gia Định) lấy pháp hiệu là Trí Tâm. Năm 1842 vua Thiệu Trị sắc phong Hoà thượng cho ngài và sắc tứ cho chùa Quan Âm.

Vườn chim trong thành phố
Vườn chim trong thành phố nằm ở Công viên văn hóa (còn gọi là Lâm Viên 19/5), thuộc Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía tây. Vườn chim trong thành phố là nơi hội tụ nhiều loài chim.
Công viên văn hóa có diện tích chừng 18,2ha, ngoài các khu vui chơi giải trí: tượng đài, vườn hoa, cây khế, cụm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, Lâm Viên 19/5 còn nuôi nhiều loài sinh vật đặc trưng của rừng ngập mặn: cá sấu, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn, ba ba... Đặc biệt, vườn chim là khu vực thu hút đông khách nhất. Từ nhiều năm nay cứ chiều đến hàng ngàn con chim, cò bay về khu rừng có diện tích chừng 2ha của công viên này. Thời gian sau có một số loài chim khác như mồng, két, le le, vịt nước... cũng lấy nơi đây làm nơi cư ngụ và sinh sản. Khu rừng dành cho chim được mở rộng tới 6ha có rào quây thành khu sinh thái biệt lập, gồm ao nước, rừng cây nhiều tán lá, cây lúp xúp ven hồ, là nơi chim tụ hội, sinh sôi và phát triển ngày càng đông.

Sân chim Ngọc Hiển
Sân chim Ngọc Hiển thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Sân chim Ngọc Hiển là điểm du lịch sinh thái và nghiên cứu về các loài chim trong môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt của Cà Mau.
Sân chim Ngọc Hiển có diện tích tự nhiên rộng 130ha. Là một trong những sân chim tự nhiên lớn nhất nước. Sân chim Ngọc Hiển có dòng sông Bảy Háp chảy qua cùng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt, với thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm đã là môi trường thiên nhiên trong lành chưa bị con người huỷ hoại, nơi trú ngụ của các loài chim bay đến hàng năm.

Bãi biển Khai Long
Nằm phía Đông Nam mũi Cà Mau, thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, cách TP Cà Mau khoảng 100km. Đi canô mất khoảng 2 giờ. Khai Long có một bãi tắm cát vàng rất đẹp, dài khoảng 3Km, còn nguyên vẻ hoang sơ. Khai Long được tỉnh Cà Mau quy hoạch là khu du lịch sinh thái. Tương lai không xa, Khai Long sẽ là nơi du lịch sinh thái biển hấp dẫn du khách đến nghĩ dưõng, giải trí, tắm biển…

Nhà bác Ba Phi
Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi (1884-1964). Danh tiếng bác Ba Phi gắn liền với những câu chuyện tiếu lâm hài hước cũng như gắn liền với xứ sở Cà Mau. Khu nhà, mộ của bác Ba Phi toạ lạc tại ấp Đường Ranh, xã Minh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Đền thờ Bác Hồ
Tọa lạc ở  hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Đào, ấp Biện Trượng, xã Đất mới (Viên An), huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam là đề tài bất tận của biết bao nhà văn, nhà thơ,  nhiếp ảnh, nhạc, họa... Hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa do chính người con Cà Mau gởi tặng đã làm xúc động hàng triệu trái tim người con nơi miền cuối đất. Cây vú sữa bên nhà sàn, vẫn xanh tươi bên khu di tích Phủ Chủ tịch minh chứng cho tấm lòng thủy chung của người con Cà Mau đối với Bác Hồ.Trong tình cảm thẳm sâu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Bác là biểu trưng độc đáo về lòng kính yêu lãnh tụ của đồng bào đất mũi.
Ngôi đền thờ Bác xây cất đầu tiên trên đất mũi Cà Mau dựng bằng gỗ đước ở hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Đào, ấp Biện Trượng, xã Đất mới (Viên An), huyện Ngọc Hiển do một bộ phận tỉnh đội Cà Mau và tổ đảng cùng nhân dân địa phương hợp sức thi công, hoàn thành vào năm 1969.
Giữ trọn lời hứa trước vong linh Bác trước ngày xung trận, ngày 5/1/1975, đền thờ Bác Hồ chính thức được khởi công xây dựng trên khuôn viên rộng 6.118 m2 ngay trên nền đất chi khu Cái Nước. Đền thờ được hơn 10.300 lượt người đóng góp công sức, tiền bạc tham gia xây dựng và hoàn thành sau gần 3 tháng thi công. Ngày 29/3/1975, đền thờ Bác khánh thành trong không khí long trọng, trang nghiêm của trên 17.000 người từ khắp nơi hội tụ về với niềm hân hoan, phấn khởi và báo công dâng lên Người, sau đó họ đã anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương.
Không chỉ có vậy, Cà Mau còn có biết bao tấm lòng kính yêu với Bác, trong đó có không ít địa phương cất Miếu Thờ, Phủ thờ, Đền thờ...  và cũng không ít người lập bàn thờ Bác ngay tại nhà riêng. Toàn tỉnh Cà Mau có đến 18 đền thờ, phủ thờ Bác, thể hiện tình cảm yêu thương Bác Hồ sâu sắc hòa quyện chung trong tình yêu nước của nhân dân nơi đây. Mỗi ngôi đền thờ Bác dựng trên đất Cà Mau là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác của nhân dân vùng cực Nam Tổ quốc.
Đền thờ Bác ở các địa điểm khác như Đền Thờ ở Tân Hưng Tây – huyện Phú Tân; Viên An, Rạch Gốc – huyện Ngọc Hiển; Trí Lực – Thới Bình; Thị Trấn Cái Nước- huyện Cái Nước; thị trấn Đầm Dơi – huyện Đầm Dơi và Nhà sàn Bác Hồ ở Công viên Văn hóa tỉnh Cà Mau.

Biệt khu Hải Yến Bình Hưng
Khu chứng tích tội ác chiến tranh Hải Yến- Bình Hưng có diện tích khoảng 30 ha bên bờ sông Cái Đôi giữa thuộc ấp Thanh Đạm. Năm 1958, Nguyễn Lạc Hóa chủ động đề nghị phủ Tổng thống Diệm chuẩn y xây dựng biệt khu trên cơ sở khu dinh điền Bình Hưng, Nguyễn Lạc Hóa được chấp thuận tuyển mộ những phần tử ác ôn trong lực lượng di cư cùng một số thanh niên tại xứ đạo, thành lập các trung đội địa phương, đồng thời xin cấp phát trang thiết bị, súng đạn, phục vụ cho việc xây dựng Biệt khu Hải Yến Bình Hưng. Và cho tới năm 1959 thì Bình Hưng – Hải Yến được thành lập. Đây là nơi giam giữ, tra tấn, và hành quyết các chiến sĩ cách mạng. Hiện nay khu còn giữ được một số chứng tích như Cầu Vĩnh Biệt, Hố chôn người tập thể. Ngành Văn hóa – thông tin tỉnh Cà Mau đang lập dự án đầu tư khu chứng tích tội ác Bình Hưng – Hải Yến.
Biệt khu Hải Yến Bình Hưng được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 24-11-2000. Việc xây dựng Khu Di tích Biệt khu Hải Yến Bình Hưng là một việc làm cần thiết để giáo dục cho thế hệ trẻ Cà Mau và là một bài học về cái thiện - cái ác...

Các lưu ý khi đi du lịch Cà Mau

Thời điểm tốt nhất du lịch Cà Mau
Thời tiết của Cà Mau có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Khí hậu tương đối mát mẻ ôn hòa do có biển bao quanh vì vậy mùa du lịch lí tưởng ở Cà Mau là mùa hè kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9.
Mùa hè mùa đặc trưng của nơi đây, nếu chúng ta tới vào dịp này có thể bắt gặp một bầu không khí thật sôi động vùng sông nước cảnh vật và con người cứ hòa quyện vào nhau tạo nên một không khí thật vui tươi ấm áp.

UniViet kính chúc Quý khách có tour du lịch Cà Mau thú vị!