Buôn Mê Thuột

Buôn Mê Thuột
Tây Nguyên bao giờ cũng là vùng đất mà chúng ta khó có thể nào khám phá hết được những đặc trưng của nơi ấy. Từ tiếng cồng chiêng mộc mạc hay tiếng suối róc rách vui tai, hay từ hương vị café đặc trưng cho đến mùi thơm và độ dẻo của một thanh cơm lam. Có đặt chân đến Đaklak, ta mới cảm nhận được hết sự nồng ấm từ tấm lòng hiếu khách của người dân Tây Nguyên nói chung và người dân xứ café Ban Mê nói riêng.

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột, tiếng Ê Đê: Ƀuôn Ama Thuôt) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên và là một trong số 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam.

Ngày 27/11/2009 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có kết luận số 60-KL/TW về việc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Cha Thuột", nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột (Ama là Cha; Thuột là tên Con; người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình, ở đây A ma Thuột nghĩa là Cha của Thuột và thường gọi là Cha Thuột) - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.


Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Buôn Mê Thuột

Ngã sáu Buôn Ma Thuột
Vị trí: Thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đặc điểm: Ngã sáu Buôn Ma Thuột khá thân quen với tên gọi "Ngã sáu Ban Mê" đầy chất thơ, nhạc, không ngừng biến đổi qua thời gian, ghi nhận những thăng trầm của lịch sử khai phá vùng đất cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Người Buôn Ma Thuột những năm đầu thế kỷ 20 đã chọn cho mình một địa thế khá bằng phẳng để khai khẩn và lập nghiệp. Ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi giao lộ của những con đường đi lại giữa khu dân cư người Kinh với các buôn làng Ê Đê bản địa và đường về miền trung châu. Con đường xưa đất đỏ, quanh năm lầy lội vào mùa mưa và bụi đỏ về mùa khô, rồi đường được lát đá, bây giờ là đường rải nhựa phẳng lỳ thênh thang. Ngã sáu Buôn Ma Thuột đã có một bộ mặt bề thế mang dáng dấp của một phố thị trẻ, tựa như gương mặt một cô gái ở độ tuổi mới lớn, với quần thể kiến trúc bao quanh như đài tưởng niệm, khách sạn, trung tâm văn hóa, những cơ sở dịch vụ tổng hợp, Công ty Du lịch Đắk Lắk, Đài phát thanh truyền hình...

Chùa Khải Đoan
Chùa Khải Đoan (Khải Đoan Tự) nằm ở Trung tâm Thành phố BuônMaThuột (tỉnh DakLak) trong khuôn viên xấp xỉ 7 sào Trung bộ thuộc địa phận Phường Thống Nhất. Tên chùa Khải Đoan được ghép bởi hai từ đầu của vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.
Chùa Khải Đoan bắt đầu xây dựng từ năm 1951 với hai phần hậu tổ và nhà giảng, còn chính điện thì đến năm 1953 mới khởi công. Người có công lớn trong việc xây chùa này là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (vợ vua Khải Định) và chính bà đã đặt tên cho chùa này là Khải Đoan Tự. Chùa được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cố đô Huế nên có kiến trúc nhà rường Huế xen lẫn với kiến trúc địa phương. Cổng chính theo hướng Tây Nam nhìn ra đường Quang Trung, hướng về thung lũng Suối Đốc Học. Trước và sau cổng đều ghi Khải Đoan Tự. Chánh điện là công trình chính của chùa với mặt bằng 320m2 được chia làm hai phần. Nửa phần trước mang dáng dấp nhà dài Tây Nguyên nhưng cấu trúc cột kèo theo kiểu nhà rường Huế. Nửa sau được xây theo lối hiện đại. Đáng chú ý nhất trong chánh điện là tượng Phật Thích Ca ở giữa và chiếc chuông đồng đặt ở gian bên phải. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,1m, đài sen bằng gỗ cao 0,35m được trang trí công phu, chiếc chuông đồng cao 1,15m, chu vi đáy 2,7m, nặng 380Kg được đúc tháng 01.1954 (tức tháng chạp năm Quý Tỵ).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Khải Đoan là nơi có phong trào Phật giáo yêu nước đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Chùa còn là nơi đùm bọc, che chở cho nhiều quần chúng cách mạng hoạt động, chùa khải đoan chính là nơi nổ ra các cuộc đấu tranh chính trị góp phần quan trọng vào phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tháng 09.1959 gần 7.000 Phật tử đã tổ chức một cuộc biểu tình tại chùa Khải Đoan đòi Ngô Đình Diệm phải thi hành Hiệp định Giơ -Ne-Vơ. Tháng 07.1963, Đại Đức Thích Quảng Hương (chánh đại diện Phật giáo DakLak kiêm trụ trì chùa Khải Đoan) phát nguyện tự thiêu đúng vào lúc phái đoàn quốc tế đến thị sát tình hình, làm cho cuộc đấu tranh của Phật giáo DakLak bùng lên quyết liệt. Sáng 30.01.1968 (tức mồng một Tết Mậu Thân) gần 7.000 quần chúng Thị xã BuônMaThuột tập trung tại chùa Khải Đoan nghe tuyên truyền về chính sách mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó tuần hành trên đường phố.Cùng với Biệt Điện Bảo Đại, Đình Lạc Giao, Nhà đày BuônMaThuột, chùa Khải Đoan là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đồng thời cũng là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh DakLak và của Thành phố Buôn Ma Thuột.

Biệt Điện Bảo Đại
Biệt Ðiện Bảo Ðại tọa lạc ngay trung tâm Buôn Ma Thuột, trong khuôn viên thoáng rộng và rợp bóng cổ thụ. Từng là nhà ở của công sứ Pháp, sau là nơi ở và làm việc của vua bảo Ðại.
Năm 1940 ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Khung cảnh yên ả , với cây xanh và hương hoa, những cây cổ thụ vươn cánh tay khổng lồ làm bóng mát, quanh năm có tiếng lảnh lót của những chú chim.
Ngày nay, Biệt Ðiện trở thành di tích lịch sử, bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử văn hóa các dân tộc Ðak Lắk. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Cảnh thiên nhiên vẫn mang bóng dáng của ngàn xưa đã góp phần làm cho Biệt Ðiện mang đậm nét lịch sử của mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại.

Nhà đày Buôn Ma Thuột
Chắc có lẽ nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi được nghe kể lại rằng thành phố Buôn Ma Thuột sôi động hôm nay, cách đây hơn 50 năm là những cánh rừng hoang vu, mênh mông phủ kín, dân cư thưa thớt, nơi đây xưa kia được coi là chốn rừng thiêng nước độc, người đồng bằng ít dám mơ tưởng đặt chân lên chốn này.
Thế nhưng cũng cùng thời gian ấy, ở đây đã có một nhà đày (một trong những khu biệt giam tù chính trị) với chế độ tàn bạo nhất của bọn thực dân Pháp ở nước ta. Đến Buôn Ma Thuột tìm hiểu về mảnh đất - con người, không thể không đến thăm khu di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng này.      Tại đây, các bạn sẽ được thấy, được nghe, được biết thêm nhiều điều mới lạ về truyền thống đấu tranh oanh liệt của những chiến sĩ cộng sản thuở trước. Nhà đày Buôn MaThuột không những là chứng tích về tội ác của bọn Đế quốc - thực dân mà nó còn là trường học lớn đào tạo và rèn luyện nên những chiến sĩ cách mạng kiên cường của cách mạng Việt Nam như : Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ và biết bao nhiều người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc.
Nhà đày BuônMaThuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám ở DakLak. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất Cao nguyên đất đỏ này.
Được mở rộng và xây dựng kiên cố thêm trên cơ sở của một Prison (nhà lao) có từ năm 1900 đến năm 1930 nhà lao BuônMaThuột trở thành nơi đày ải những chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Giờ đây, đến thăm nhà lao BuônMaThuột, các bạn sẽ nhìn thấy những chứng tích tội ác của bọn thực dân Pháp. Qua đó, bạn có thể hình dung lại toàn bộ nhà đày BuônMaThuột với chế độ cai trị khắc nghiệt và tàn bạo chẳng khác nào địa ngục của bọn thực dân Pháp.
Năm tháng đã qua đi, nhưng những dấu ấn ấy như còn in rõ vào tâm trí của mỗi người. Khi đặt chân đến đây, nhìn lại những chiếc cùm các bạn cũng sẽ thấy đau lòng, bồi hồi xúc động và càng khâm phục những chiến sĩ cộng sản kiên cường không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù góp phần giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm mờ nô lệ.

Hoa viên Buôn Ma Thuột
Vị trí: Nằm tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đặc điểm: Hoa viên Buôn Ma Thuột rất gần với các khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố.
Du khách có thể tản bộ tham quan phố xá, thư thả đến Hoa viên - một công trình được thiết kế xây dựng theo kiểu hiện đại kết hợp với nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Ở đây có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí: vườn hoa, vườn chim thu nhỏ, động nhân tạo, quán cà phê giải khát... rất phù hợp cho thư giãn sau khi thực hiện chuyến đi du lịch xa hay những buổi tối thời tiết nóng nực.

Bản Đôn
Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây - Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung.
Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.
Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến du lịch Buôn Mê Thuột mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên Buôn Mê Thuột; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.
Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
Tạm biệt Làng đảo Bản Đôn, bạn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, du khách được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, quý khách còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.
Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi “KhunJuNốp”, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông...
Rời cầu treo Buôn Đôn, đi thêm khoảng 3km về hướng Bắc, bạn sẽ rẽ vào Khu du lịch văn hóa-sinh thái Buôn Ðôn do Công ty Cao su ĐăkLăk quản lý và khai thác. Khu du lịch này có tổng diện tích gần 1.600 ha. Trong khu vực này có các tổ hợp du lịch gồm: làng du lịch-văn hóa, khu du lịch lâm sinh, khu chăn thả động vật hoang dã, khu giải trí hồ Dak Min, khu lưu trú sinh thái, khu dã ngoại rừng cảnh quan, khu sản xuất và du lịch nông nghiệp...
Khu chăn thả động vật sẽ chia làm khu vực nuôi tập trung và khu thả động vật trong rừng theo kiểu bán hoang dã, nhằm giúp cho du khách tham quan và có thể săn bắn giải trí. Nhưng tâm điểm của khu du lịch Buôn Ðôn là làng du lịch-văn hóa. Mục tiêu của dự án đề ra là xây dựng một làng du lịch hội đủ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Buôn Đôn và Tây Nguyên, tạo cho du khách có mối quan hệ mật thiết với cư dân bản địa. Ðây cũng là một làng định canh định cư hoàn hảo như sẽ chú ý đến không gian sinh tồn mang tính đặc trưng bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Nguyên như cây đa, bếp nước, khu nhà mồ... Nhà ở sẽ được doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng theo đặc trưng từng dân tộc.
Hãy đến với du lịch Buôn Đôn để thưởng thức trọn vẹn những gì mà thiên nhiên và ông cha đã ban tặng cho chúng ta. Chắc chắn rằng khi rời Buôn Đôn, bạn sẽ còn lưu luyến mãi với mảnh đất, con người và thiên nhiên nơi đây.

Thủ phủ cà phê
Tuy cây cà phê đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của những nhà tư bản Pháp như CADA, ... nhưng do vùng đất đất đỏ bazal này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê nên việc phát triển diện tích trồng ở đây đã tăng lên; hiện tại, theo số liệu thống kê, Đắk Lắk có đến hơn 175.000 ha cà phê (thực tế có đến trên 200.000 ha vì một số diện tích không được tính do không trong quy hoạch).
Đắk Lắk cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê.
Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê".
Ở Đắk Lắk hiện tại, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá đặc trưng của vùng này. Mời đi uống cà phê là một nét văn hóa rất đặc trưng của thành phố Buôn Ma Thuột.
Mời đi uống cà phê.
Ở Đắk Lắk, việc đi uống cà phê đã trở thành một trào lưu, một phong cách sống. Việc đi uống cà phê đối với nhiều người ở đây cũng quan trọng giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Vì vậy, ở đây câu nói đi uống cà phê đã trở thành câu nói cửa miệng, thay vì mời đi uống nước, giải khát người ta lại nói là đi uống cà phê.
Chỉ riêng ở Buôn Ma Thuột, hiện tại quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ cần vào một quán thôi cũng mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở đây hầu hết được xây dựng rất đẹp, cầu kỳ và có phong cách riêng để thu hút khách. Tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây Nguyên như quán Pơ lang, Thung lũng hồng, Đá Xanh, Chuông đá...

Lễ hội Cà phê
Là một lễ hội được tổ chức để tôn vinh cây cà phê, một loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk lắk. Lễ hội được nhà nước công nhận và cho phép tổ chức đều đặn hàng năm.

Buôn AKô Đhông
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố.
Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật- thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống , hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.

Các lưu ý khi đi du lịch Buôn Mê Thuột

Đi bộ vào buổi tối và sáng sớm là cách bạn tận hưởng khí hậu mát mẻ của cao nguyên.
Chú ý tìm hiểu kĩ phong tục của các dân tộc khi vào các buôn làng. Không đi sâu vào nương rẫy, rừng của dân địa phương.
Mang theo các vật dụng bảo hộ khi khám phá rừng quốc gia hay các con thác.

UniViet kính chúc Quý Khách chuyến du lịch vui vẻ và thú vị!!